Nỗi lo ô nhiễm môi trường

(NTD) - Ô nhiễm không khí đã và đang là mối quan ngại lớn với người dân. Gần đây, chỉ số chất lượng không khí liên tục trong nhiều ngày tại các TP lớn, các khu công nghiệp ở ngưỡng cao của thang cảnh báo.

Các chuyên gia môi trường nhận định, giống như các nước đang trong quá trình công nghiệp hóa thường có sự chậm trễ tương đối trong các tiêu chuẩn môi trường, nước ta trong giai đoạn đầu tăng trưởng đã ưu tiên gia tăng nguồn lực sản xuất, bao gồm cả đầu tư trực tiếp nước ngoài, hệ lụy là đã có nhiều dự án trả giá đắt về ô nhiễm môi trường.

Ô nhiễm không khí do bụi mịn tại TP.HCM và Hà Nội đang gây lo lắng không nhỏ cho người dân. Ảnh: Minh họa

 Dựa trên thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới (WB), ô nhiễm không khí không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn là nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề bất ổn về kinh tế-xã hội trên toàn cầu, đặc biệt là các thành phố lớn. Hiện nay, Ấn Độ điêu đứng khi ô nhiễm không khí cao hơn 50 lần mức độ cho phép; Thái Lan phải đóng cửa hơn 400 trường học do ô nhiễm…Tại Trung Quốc, ô nhiễm không khí từ khói bụi, trong đó có ôzôn và các hạt mịn đã tiêu tốn 267 tỷ NDT (38 tỷ USD) mỗi năm. Tại Việt Nam, trong 10 bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất tại Việt Nam có 6 bệnh liên quan đến đường hô hấp có nguyên nhân từ ô nhiễm không khí và chất lượng không khí. Ô nhiễm không khí còn gây thiệt hại về kinh tế khoảng 10 tỷ đô la mỗi năm tại Việt Nam (chiếm từ 5 - 7% GDP).

Đặc biệt, những ngày gần đây, mức độ ô nhiễm tại Hà Nội và TP.HCM đang vượt chuẩn. Vấn nạn, bụi mịn tại Hà Nội và TP.HCM những ngày gần đây đang ở mức cao bậc nhất thế giới khiến người dân lo ngại. Không khí ô nhiễm, cộng khói bụi khiến người dân không khỏi lo lắng và dẫn đến những bất ổn về kinh tế, xã hội. Ô nhiễm không khí không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà là vấn đề quản lý, trong đó những góc nhìn kinh tế và bản chất kinh tế của ô nhiễm không khí cần được xem xét phân tích, nhìn nhận để lồng ghép vào các công cụ, chính sách quản lý hướng tới một môi trường trong lành an toàn hơn cho người dân, giảm thiểu gánh nặng bệnh tật và kinh tế cho xã hội, đặc biệt tại các đô thị, hướng tới sự bền vững.

Các chuyên gia môi trường khuyến cáo, để cuộc chiến chống ô nhiễm không khí đạt được hiệu quả về kinh tế và xã hội, cần thực thi ngay một hệ thống các giải pháp đồng bộ và toàn diện, bao gồm các biện pháp cảnh báo, dự báo, khuyến cáo và thực thi các chính sách cắt giảm các hoạt động gây ô nhiễm không khí.

Nguyễn Ngọc

Nên đọc