Nissan với các tai nạn nghề nghiệp ảnh hưởng đến người tiêu dùng

(NTD) - Hãng sản xuất ô tô Nissan Motor Co. Ltd. nổi tiếng của Nhật Bản vừa thông báo thu hồi 394.025 xe tại Mỹ do lỗi ở hệ thống thắng có thể dẫn đến rò rỉ dầu thắng gây cháy. Trước đây, Nissan đã từng gặp tai nạn khi phải dàn xếp vụ xe cán chết người do xe thiếu túi khí và scandal của cựu Chủ tịch Carlos Ghosn.

Thu hồi gần 400.000 ô tô tại Mỹ do lỗi hệ thống thắng

Vào ngày 8/11, lãnh đạo Nissan đã thông báo cho Cơ quan An toàn Giao thông quốc gia Mỹ (US National Traffic Safety Administration - NTSA) việc thu hồi gần 400.000 xe vì lỗi ở hệ thống thắng có thể gây chết người do tai nạn bất ngờ xảy ra. Các dòng xe phải thu hồi gồm mẫu xe Sedan Maxima sản xuất từ năm 2016-2018, xe SUV Murano (2015-2018), xe SUV Pathfinder (2017-2019) và xe Crossover hạng sang Infiniti QX60 (2017-2019).

Hiện Nissan đang khắc phục lỗi hệ thống thắng và bồi thường chủ sở hữu những xe bị lỗi - họ sẽ nhận được thư thông báo sửa chữa miễn phí từ đầu tháng 12/2019.

Đợt thu hồi này diễn ra chưa đầy 2 tháng sau khi NTSA mở cuộc điều tra đầu tiên đối với 553.000 xe thể thao đa dụng Nissan Rogue vì lỗi hệ thống thắng khẩn cấp tự động.

Được biết, vào cuối năm 2018, Nissan đã phải thông báo thu hồi hàng ngàn xe tại Nhật Bản. Đến tháng 9/2019, họ cũng đã thu hồi 1,3 triệu xe để khắc phục sự cố màn hình camera lùi xe.

Theo các chuyên gia, một số tai nạn bất ngờ này đã khiến Nissan xính vính trong bối cảnh vốn trước đây họ cũng đã phải điên đảo vì các scandal gây sốc cho khách hàng.

 

Ông Carlos Ghosn khi còn làm Chủ tịch Nissan. (Ảnh: Reuters).

Chi gần 1,5 triệu USD dàn xếp vụ tai nạn chết người do thiếu túi khí

Gần 1,5 triệu USD là số tiền mà Tập đoàn Nissan Motor chấp nhận nộp để dàn xếp vụ việc liên quan tới di sản thừa kế của Ashlynn Overton - nạn nhân người Mỹ 18 tuổi tử vong trong vụ tai nạn liên quan tới một xe hơi bị thiếu túi khí bên hông do Nissan sản xuất. Xe thường được trang bị các túi khí ở bên hông, vốn được thiết kế để ngăn ngừa những tổn thương ở vùng đầu trong trường hợp xảy ra tai nạn.

Reuters đưa tin đây là thỏa thuận đạt được giữa Nissan và các luật sư tư vấn về di sản thừa kế của Overton vào ngày 6/8. Theo đó, di sản này sẽ có thêm khoảng 776.000 USD, trong khi các luật sư cũng sẽ nhận được khoảng 675.000 USD do Nissan bồi thường.

Được biết, Overton đã chết trong vụ tai nạn giao thông vào năm 2017 khi một chiếc xe bất ngờ lấn làn, đâm trúng cản trước của chiếc xe Nissan Versa đời 2016 do nạn nhân điều khiển làm xe bị lật. Vụ này gây rúng động nước Mỹ.

Theo các luật sư tư vấn thừa kế, xe ô tô của Overton đã không được trang bị các túi khí ở bên hông xe để ngăn ngừa những tổn thương ở vùng đầu khi tai nạn xảy ra. Ở thời điểm xảy ra vụ tai nạn, tại phiên xử, luật sư đại diện cho Nissan biện hộ rằng luật hiện hành không quy định các hãng ô tô phải lắp túi khí bên hông, nhưng kết thúc vụ xử, chủ tọa đã tuyên phần thắng cho Overton.

Nissan Motor Co. Ltd. là công ty sản xuất xe hơi nổi tiếng của Nhật. (Ảnh: AFP).

Nhật Bản chính thức khởi tố cựu Chủ tịch Ghosn và Nissan

Ngày 11/12/2018, các công tố viên Nhật Bản chính thức buộc tội cựu Chủ tịch Nissan Carlos Ghosn, do các sai phạm trong tài chính. Ông bị cáo cuộc đã báo cáo thu nhập thấp hơn so với thực tế trong giai đoạn 5 năm tài khóa. Với cáo buộc mới nhất này, ông Ghosn tiếp tục bị giam giữ đến ngày 30/12.

Ngoài ra, các công tố viên cũng chính thức khởi tố hãng xe Nissan do liên quan đến cáo buộc. Về phía Nissan, lãnh đạo cho hay họ đang cố gắng xử lý vụ việc “cực kỳ nghiêm trọng” này, tuyên bố: “Những tiết lộ về sai phạm gần đây trong báo cáo chứng khoán gây tổn hại lớn đến tính trung thực của các báo cáo này trên thị trường chứng khoán của Nissan, và công ty bày tỏ sự hối tiếc sâu sắc nhất”.

Ghosn, 64 tuổi, là một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng rất lớn đến thị trường ô tô Nhật Bản, lớn đến mức ông đã xuất hiện trong rất nhiều cuốn truyện tranh hoạt hình nổi tiếng tại Nhật Bản. Ông sinh ra tại Brazil nhưng là người gốc Liban và từng có nhiều năm sinh sống, học tập tại Pháp. Tại Pháp, ông được biết đến với cái tên “Le Cost Killer” cũng như là “kiến trúc sư” cho thành công của liên minh xe Renault - Nissan. Ông cũng từng được coi như một ứng viên tiềm năng cho vị trí Tổng thống Liban.

Ngày 10/1/2019, cơ quan giám sát chứng khoán Nhật đã đâm đơn kiện hình sự đối với Ghosn và Nissan liên quan đến việc khai sai tiền thù lao trong thời gian 3 năm tính đến tháng 3/2018, vi phạm Luật Quản lý sàn giao dịch và công cụ tài chính của nước này, thao túng các hồ sơ tài chính và báo cáo không đầy đủ thu nhập của bản thân.

Ngày 10/12/2018, nhà chức trách Nhật Bản đã phát lệnh bắt giữ mới đối với ông sau khi các công tố viên có thêm cáo buộc ông che giấu khoản thù lao 4 tỷ yen (35,5 triệu USD) trong các báo cáo chứng khoán của công ty. Kể từ đó đến nay, họ đã nhiều lần gia hạn tạm giữ ông. Lệnh gia hạn tạm giữ gần đây nhất được đưa ra ngày 31/12/2018, trong đó buộc tội Ghosn vi phạm lòng tin của Nissan, gây thiệt hại cho công ty sản xuất ô tô tới 1,8 tỷ yen (hơn 100 triệu USD).

Trước đó, tại phiên tòa diễn ra ngày 8/1 ở Tokyo, Ghosn đã khẳng định mình vô tội và cho rằng các cáo buộc ông vi phạm luật tài chính là “vô căn cứ”. Ông cũng phản đối việc bị giam giữ kéo dài. Thẩm phán Yuichi Tada khẳng định việc bắt giữ ông là cần thiết để phòng ngừa nguy cơ quan chức hãng Nissan hủy chứng cứ và bỏ trốn ra nước ngoài.

Các công tố viên cho rằng từ cuối năm 2015 đến giữa năm 2018, ông Ghosn đã rút tổng cộng 15 triệu USD từ các quỹ của Nissan. Ông đã bị cách chức Chủ tịch của Nissan cũng như các đối tác Renault SA và Mitsubishi Motors.

Phiên tòa xét xử ông Ghosn sẽ được hoãn lại đến năm 2020, thay vì diễn ra vào tháng 9 như dự kiến trước đó. Từ hôm 14/11, nhà tài phiệt hiện đã được tại ngoại để chuẩn bị cho phiên tòa xét xử sắp tới. Nếu bị kết tội, ông Ghosn sẽ đối mặt với mức án lên tới 10 năm tù và bị phạt 10 triệu yen (hơn 88.000 USD).

Tường Quyên (Theo BBC News, AFP, Reuters)

Nên đọc