Những tờ báo ít tên tuổi từng đoạt giải Pulitzer danh giá

(NTD) - Pulitzer là một giải thưởng của Mỹ, trao cho nhiều lĩnh vực, trong đó quan trọng hơn cả là về báo chí và văn học. Đặc biệt về báo chí (có 14 hạng mục), Pulitzer được xem như một trong những giải thưởng danh giá nhất trên thế giới.

Giải Pulitzer là một giải thưởng của Mỹ, trao cho nhiều lĩnh vực, trong đó quan trọng hơn cả là về báo chí và văn học.

Giải Pulitzer bắt đầu được trao từ năm 1917 và rất nhiều tờ báo, tạp chí đẳng cấp giành được giải thưởng uy tín này. Cho tới nay, New York Times là tờ báo giành được nhiều giải thưởng Pulitzer nhất với 125 giải, lần gần nhất là năm 2018 với loạt bài phóng sự về vấn nạn quấy rối tình dục tại Hollywood. Mặc dù vậy, trong lịch sử hơn 100 năm trao thưởng của giải Pulitzer, không ít lần giải được trao cho các tờ báo, đơn vị truyền thông chưa có tiếng tăm.

Tờ The Virgin Islands Daily News được thành lập vào năm 1930.

Những tờ báo ít tên tuổi từng đoạt giải Pulitzer danh giá

Cho đến nay, Storm Lake Times vẫn là tờ báo có quy mô nhỏ nhất đoạt giải Pulitzer. Năm 2017, Storm Lake Times chiến thắng ở hạng mục xã luận nhờ loạt bài đả kích không chỉ chính quyền mà còn nhiều đại gia nông nghiệp Mỹ bao gồm Koch Brothers, Cargill và Monsanto, phanh phui hành động gây quỹ bí mật của các doanh nghiệp này trong một vụ trọng án về môi trường. Tác giả loạt bài này chính là Tổng biên tập Art Cullen. Tờ Storm Lake Times được thành lập vào ngày 29/6/1990 chỉ với 10 thành viên (trong đó có em trai, vợ và con trai của Tổng biên tập Art Cullen) với số lượng phát hành chỉ là 3.330 ấn phẩm/ngày.

Năm 1995, tờ The Virgin Islands Daily News có trụ sở tại Saint Thomas đoạt giải Pulitzer ở hạng mục phóng sự điều tra về tội phạm và tham nhũng tại địa phương (Virgin), tác giả là nhà báo Melvin Claxton. The Virgin Islands Daily News được thành lập vào năm 1930, phát hành hằng ngày (trừ Chủ nhật) chỉ với 18 nhân viên, lượng phát hành cũng rất khiêm tốn: Khoảng 17.000 ấn phẩm/ngày.

Năm 1938, nhật báo The Bismarck Tribune bất ngờ đoạt giải Pulitzer với bài báo điều tra về ảnh hưởng của những cơn bão bụi đến nền nông nghiệp Mỹ trong thập niên 30 của thế kỷ trước. Nhật báo The Bismarck Tribune có trụ sở ở Dakota, được phát hành lần đầu tiên vào ngày 11/7/1873, có lượng độc giả cực kỳ khiêm tốn: Trung bình cả tuần chỉ có khoảng 82.000 độc giả.

Năm 2010, Propublica đã trở thành trang tin tức online và phi lợi nhuận đầu tiên đoạt giải Pulitzer. Với loạt bài điều tra, đề cập đến tình trạng các bệnh viện sau cơn bão Katrina ở New Orleans, những quyết định giữa cái sống và chết của các bác sĩ vốn đã trở nên kiệt sức do bị cách ly bởi nước lũ, Propublica đã giành giải thưởng danh giá nhất trong lịch sử giải thưởng báo chí và nghệ thuật tại Mỹ ở hạng mục báo mạng. Trong hệ thống báo chí Mỹ, Propublica là đơn vị non trẻ và mới mẻ. Propublica được thành lập vào năm 2007, có trụ sở tại thành phố Manhattan với 75 nhân viên. Sau thành công vào năm 2010, Propublica còn giành thêm 3 giải Pulitzer nữa vào các năm 2011, 2016 và 2017.

Khác với trang tin tức online Propublica, Bristol Herald Courier là tờ báo có lịch sử lâu đời (được thành lập vào năm 1865). Tuy nhiên, nhật báo có trụ sở tại vùng Tây Nam Virginia có lượng phát hành cũng rất khiêm tốn, khoảng 39.000 bản. Vậy mà vào năm 2010, Bristol Herald Courier đã gây sốc khi đoạt giải Pulitzer ở hạng mục phục vụ cộng đồng với bài phóng sự điều tra về nhiều công ty năng lượng đã không trả tiền quyền sở hữu theo yêu cầu khi khoan đốt khí tự nhiên và số tiền được trả lại cũng không đến tay của những người địa phương xứng đáng được hưởng.

Storm Lake Times, tờ báo có quy mô nhỏ nhất đoạt giải Pulitzer.

Dấu ấn người Việt

Pulitzer là giải thưởng danh giá ở xứ Cờ hoa nhưng đã có những người Việt Nam từng đoạt giải này. Năm 1972, ông Huỳnh Công Út (bút danh là Nick Út), phóng viên ảnh của hãng tin Associated Press (AP) đã đoạt giải Pulitzer ở hạng mục Ảnh tin tức với bức ảnh Em bé Napalm (Vietnam Napalm Girl). Bức ảnh chụp em bé Phan Thị Kim Phúc bị bỏng do bom napalm tại Trảng Bàng, Tây Ninh vào năm 1972.

Bức ảnh Em bé Napalm được xếp thứ 41 trong 100 bức ảnh có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 do Đại học Columbia bình chọn. Ông Nick Út sinh ngày 29/3/1951 tại Long An, hiện làm việc tại trụ sở của hãng tin AP ở Los Angeles, California và đã nhập quốc tịch Mỹ.

Năm 2016, với tác phẩm The Sympathizer (Cảm tình viên), tác giả Nguyễn Thanh Việt bất ngờ được trao giải ở hạng mục Văn học của giải Pulitzer. Tác phẩm là câu chuyện về chiến tranh và xoay quanh cuộc đời của nhân vật chính là một người đàn ông mang hai dòng máu Việt - Mỹ. Ông Nguyễn Thanh Việt sinh ra tại Buôn Ma Thuột, hiện là phó giáo sư tại Đại học South California, Mỹ.

Trong quá khứ, rất nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng đã đoạt được giải Pulitzer như: Cuốn theo chiều gió (Gone with the Wind) của nhà văn Margaret Mitchell, Chùm nho uất hận (The Grapes of Wrath) của nhà văn John Steinbeck, Ông già và biển cả (The Old Man and the Sea) của nhà văn Ernest Hemingway, Giết con chim nhại (To Kill a Mockingbird) của nhà văn Harper Lee…

Thế Anh

 
Nên đọc