Những người phụ nữ nặng lòng bảo tồn nghề dệt thổ cẩm

(NTD) - Nghề dệt, may trang phục thổ cẩm như đã ngấm trong máu thịt, từ thế hệ này sang thế hệ khác, các bà, các mẹ đã truyền dạy cho con cháu và cứ vậy nối tiếp theo thời gian.

Ở Đắk Lắk ngày nay, khắp các buôn làng đã có nhiều biến đổi để phù hợp với cuộc sống hiện đại, nhưng vẫn còn nhiều phụ nữ các dân tộc sống trên mảnh đất này luôn tự hào về sắc màu rực rỡ của trang phục truyền thống, họ đã nỗ lực gìn giữ và truyền nghề cho cho thế hệ trẻ để không bị mai một.

Dệt thổ cẩm từ khi gà gáy

Khi những chú gà vừa cất tiếng gáy, cả buôn vẫn đang chìm trong giấc ngủ, bà Yo Thi (SN 1948), ở buôn Biăp (xã Yang Tao, huyện Lắk) đã ngồi vào khung dệt. Đó là thói quen hơn 50 năm nay của bà Yo Thi, bà đã “thổi hồn” cho nghề dệt thổ cẩm của đồng bào M’Nông nơi đây.

Trong ngôi nhà dài truyền thống của người M’Nông, bà Yo Thi say sưa không kể thời gian để dệt ra nhiều sản phẩm dân tộc độc đáo, bà luôn dùng cái tâm, cái nhiệt huyết của nghề truyền lại cho đời con đời cháu sau này. Bà Yo Thi kể: Thời của bà, những cô gái mới lớn ở trong buôn này đều biết dệt thổ cẩm và đan lát do các bà, các mẹ truyền dạy. Bà đam mê dệt thổ cẩm từ nhỏ, nên tay nghề của bà giỏi nhất xã Yang Tao này.

Bà Yo Thi (phải) dạy cho cháu dệt thổ cẩm.

Hằng ngày, bà Yo Thi bận lên rẫy chăn đàn bò nên tranh thủ thời gian ít ỏi mỗi buổi sớm và buổi tối để ngồi vào khung dệt. Bà không nhớ đã dệt bao nhiêu tấm khố, váy áo, chăn, điệu… cho khách, bà chỉ biết những người dùng sản phẩm của bà đều khen là tinh tế và rất hài lòng. Bà Amí Thip, ở buôn Dhăm xã Đắk Nuê cùng huyện cho hay: “Những người trong gia đình tôi từ trước đến nay vẫn thường đặt mua sản phẩm thổ cẩm của bà Yo Thi, phần vì dùng rất bền và rẻ hơn ở những nơi khác”.

Cách tân truyền thống

Tương tự, bà Amí Jam (SN 1962) ở buôn K’mrơng Prông A (xã Ea Tu, TP.Buôn Ma Thuột) được nhiều khách hàng biết đến là người dệt thổ cẩm Ê Đê đẹp nhất địa phương này. Những sản phẩm của bà Amí Jam không chỉ đơn thuần là những tấm chăn, địu, quần, áo, váy… truyền thống như ngày xưa mà bà còn sáng tạo và làm theo yêu cầu của khách. Những mẫu váy áo hướng theo lối cách tân hiện đại nhưng làm nổi bật nét đẹp thổ cẩm truyền thống. Bên cạnh có tiếng là dệt đẹp, bà Amí Jam còn tạo điều kiện cho những cô gái yêu thích nghề dệt thổ cẩm đến học tập. Nhờ đó trong buôn đã có nhiều người học được nghề dệt từ bà. Nhiều phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trong buôn đã kiếm thêm thu nhập từ việc dệt thổ cẩm.

Đâu đó vẫn còn những người phụ nữ nhiệt huyết, chăm chỉ góp phần lưu giữ truyền thống dệt thổ cẩm của đồng bào Ê-Đê không bị mai một trong cuộc sống hiện đại.

 Bài, ảnh: Hải Đăng