Những lễ hội tháng Giêng không thể bỏ qua - Phần 2

(NTD) - Những lễ hội tháng Giêng mang đậm nét văn hóa truyền thống được nhiều khách du lịch lựa chọn trong chuyến du xuân đầu năm cầu cho một năm mới an lành.

Những lễ hội tháng Giêng không thể bỏ qua như lễ hội Núi Bà Đen, lễ hội Yên Tử, hội Lim Bắc Ninh được nhiều du khách gần xa biết đến và lựa chọn là điểm du lịch tâm linh dịp đầu năm với nhiều nét văn hóa truyền thống vùng miền mang đậm giá trị Việt.

Lễ hội núi Bà Đen, Tây Ninh

 

Hội xuân núi Bà Đen năm nay được khai mạc đúng mùng 4 Tết Nguyên Đán và kéo dài đến hết tháng Giêng. Đây là lễ hội truyền thống nổi tiếng Tây Ninh và các tỉnh Đông Nam Bộ. Du khách có thể lên chùa Bà trên núi bằng cách đi bộ hoặc hệ thống máng trượt, cáp treo. Ngoài hành hương lễ Phật đầu năm, núi Bà Đen với độ cao 968 m còn là thử thách thú vị với nhiều bạn trẻ mê chinh phục.

Lễ hội Yên Tử, Quảng Ninh

 

Là một trong những trung tâm Phật giáo của Việt Nam, Yên Tử mỗi năm vào mùa lễ hội thu hút hàng trăm nghìn lượt khách hành hương. Trong ngày khai hội mùng 10 tháng Giêng, lễ hội xuân năm nay ngoài điểm nhấn là công trình tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trên khu vực An Kỳ Sinh đã khánh thành, phục vụ nhu cầu chiêm bái, lễ phật của du khách, sẽ có nhiều hoạt động khác như: Lễ cầu an, cầu phúc, tổ chức các chương trình về nguồn.

Hội cầu ngư, Huế

 

Hàng năm vào ngày 12 tháng Giêng, cư dân Thái Dương Hạ, Thuận An lại long trọng tổ chức hội Cầu ngư. Trò diễn bủa lưới trong hội cầu ngư sẽ được tổ chức trước đình làng. Sau đó là cuộc đua thuyền trên phá của các xã lận cận. Kết thúc buổi lễ là buổi cơm thân mật giữa quan khách và dân làng ở địa phương. Lễ hội cầu ngư được tổ chức để tỏ lòng nhớ ơn vị cai canh làng là Trương Thiều, được gọi một cách kính cẩn là Trương Quý Công.

Hội Lim, Bắc Ninh
 

Hội Lim là một lễ hội lớn của tỉnh Bắc Ninh, chính hội được tổ chức vào ngày 13 tháng Giêng hàng năm, trên địa bàn huyện Tiên Du. Đến với lễ hội, du khách không chỉ được lắng nghe những câu hát quan họ say đắm lòng người, từ hát mời trầu, gọi đò đến con sáo sang sông, con nhện giăng mùng; mà còn được tham gia nhiều trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm.

Hội Đền Trần, Nam Định
 

Năm nay, lễ hội Đền Trần sẽ diễn ra từ ngày 12 đến 16 tháng Giêng với hai nghi thức được khôi phục là rước nước và tế cá. Lễ phát ấn cho nhân dân và khách thập phương bắt đầu từ 7h sáng ngày 15 tháng Giêng (14/2). Ấn Đền Trần sẽ được phát tại 3 nhà là nhà Giải Vũ, nhà trưng bày đền Trùng Hoa và một điểm trong khu vực vườn cây đền Trần.

Mọi thông tin liên quan đến Văn hóa - đời sống, bạn đọc có thể theo dõi thêm tại đây

Huyền Cao (TH)

Nên đọc