Những khó khăn trong ghép tạng ở Việt Nam

(NTD) - Tối ngày 16/11, Bộ Y tế đã tổ chức chương trình “Khi sự sống được chia sẻ” tại TP.Hà Nội. Chương trình năm nay với mục đích chuyển tải sâu rộng ý nghĩa nhân đạo, nhân văn cao cả của việc hiến tặng mô, tạng cứu người như một nghĩa cử cao đẹp, một biểu tượng sáng chói của lòng nhân ái vì con người.

Tại buổi lễ, ông Lê Quang Cường – Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện nay, trên cả nước đã có 17 cơ sở ghép tạng. Qua hơn 20 năm từ khi thực hiện ca ghép tạng đầu tiên tính đến cuối tháng Sáu vừa qua, Việt Nam thực hiện được 1.281 ca ghép thận, 54 ca ghép gan, 16 ca ghép tim, 8 ca ghép tủy, 1 ca ghép thận-tụy...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thế nhưng, trong thời gian vừa qua, số ca ghép tạng còn quá ít so với tiềm năng hiện có. Trình độ của đội ngũ y tế của nước nhà được đánh giá ngang tầm khu vực và quốc tế.

Bên cạnh đó, ghép tạng vốn được xem là thế mạnh của Việt Nam, góp phần đưa nền y tế nước nhà hội nhập với khu vực và quốc tế.

Theo ông Cường, trước những thành tựu nói trên, ghép tạng ở Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu trầm trọng về nguồn mô tạng để cấy ghép cho người bệnh.

“Nhu cầu ghép mô, tạng ở Việt Nam rất lớn và đang gia tăng nhanh chóng. Trong khi nhiều mô tạng từ nguồn các ca chết não, chết vì tai nạn giao thông và các trường hợp tử vong khác đã không được sử dụng để cứu chữa người bệnh. Đây là một sự lãng phí lớn”, ông Cường cho hay.

Trước vấn đề này, ông Cường mong muốn từng bước làm thay đổi nhận thức cộng đồng, truyền thông cần phải đi trước mở đường cho các công tác hiến, tặng mô tạng, sớm tiến tới chủ động tham gia hiến, tặng mô, tạng trong toàn xã hội...

Chương trình năm nay cũng là lời tri ân của ngành y tế đến những tấm lòng đã tình nguyện hiến tặng một phần cơ thể của mình khi còn sống và đại diện những gia đình có người thân đã hiến tạng sau khi chết, chết não để cứu giúp những bệnh nhân suy mô, tạng giai đoạn cuối.

 Quang Thuận

Nên đọc