Tại hội thảo công bố báo cáo triển vọng kinh tế Việt Nam được tổ chức ngày 8/9, ông Andrea Coppola, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhận định, 2 năm qua, mặc dù phải đối mặt với không ít “cơn gió ngược” từ thị trường quốc tế”, tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn đạt được một số kết quả tương đối tốt và ghi nhận sự phục hồi sau đại dịch.
Dẫu vậy, tình trạng suy giảm kinh tế trên toàn cầu vẫn đang tiếp diễn, các đối tác thương mại của Việt Nam ít nhiều chịu ảnh hưởng. Trong bối cảnh hiện nay, ông Coppola phân tích một số yếu tố chính cần quan tâm: Những “cơn gió ngược” trên môi trường kinh tế toàn cầu rất mạnh và ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam. Toàn bộ kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng kém đi, đặc biệt những đối tác thương mại lớn của Việt Nam.
Đáng mừng là triển vọng của kinh tế Việt Nam vẫn chắc chắn, yếu tố cầu ở trong nước vẫn là động lực chính để dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023. Trong triển vọng này, cũng cần phải nhấn mạnh Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài bởi Việt Nam có nhiều chính sách kinh tế cởi mở cũng như sự ổn định trong các nền tảng kinh tế vĩ mô.
Chính phủ Việt Nam đã có những quyết sách, biện pháp hỗ trợ cho sự phục hồi của kinh tế vĩ mô, ví dụ như chính sách tiền tệ hay chính sách hỗ trợ cho sự tăng trưởng lâu dài của các khu vực khác nhau trong nền kinh tế.
Theo phân tích của chuyên gia kinh tế trưởng WB, sau khi tăng trưởng 3,1% vào năm ngoái, dự kiến tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 chỉ còn 2,1% và sau đó phục hồi lên 2,4% vào năm 2024. Nền kinh tế của các đối tác thương mại chính của Việt Nam như Mỹ hay khu vực đồng tiền chung châu Âu đều được dự báo tăng trưởng rất thấp trong năm 2023. Trong đó, Mỹ chỉ tăng trưởng được 1,1% còn khu vực đồng tiền chung châu Âu là 0,4%. Thực tế này sẽ khiến cho sức cầu giảm xuống, nền kinh tế các nước khác chắc chắn sẽ chịu tác động. Ngoài ra, theo ông Coppola, nhiều người cũng đang đặt dấu hỏi về tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2023. Chắc chắn diễn biến kinh tế Trung Quốc cũng ảnh hưởng đến diễn biến của kinh tế Việt Nam. Trung Quốc là đối tác kinh tế rất quan trọng của Việt Nam. Năm qua Việt Nam cũng đã chứng kiến một số diễn biến bất lợi trong lĩnh vực bất động sản và tài chính…. Tiêu dùng của người dân Việt Nam được dự báo sẽ chậm lại đáng kể.Kinh tế Mỹ được dự báo sau khi tăng trưởng 1,1% trong năm 2023 sẽ vẫn tăng trưởng yếu trong năm 2024 và sẽ chỉ tăng trưởng được 0,8%, thậm chí còn yếu hơn trong trường hợp lạm phát gia tăng. Khu vực đồng tiền chung châu Âu dù rằng giờ đang tăng trưởng tốt hơn so với dự báo đầu năm nhưng cũng sẽ chỉ cải thiện nhẹ vào năm 2024. Kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu được dự báo tăng trưởng 0,4% trong năm 2024 và chỉ tăng lên được mức 1,3% vào năm 2024.Ông Coppola nhận xét, trên toàn cầu dù rằng lạm phát toàn phần đã thuyên giảm, nhưng lạm phát cơ bản vẫn ở ngưỡng cao bởi giá khí đốt tăng, như vậy có thể thấy tác động từ việc thắt chặt chính sách tiền tệ rất rõ ràng. Tại Trung Quốc, kinh tế hiện giờ thậm chí có thể còn khó khăn hơn so với hồi tháng 6/2023. WB dự báo kinh tế nước này năm 2023 tăng trưởng được 5,6% và sau đó có thể còn giảm tốc vào năm 2024 xuống chỉ còn 4,6%. Trong tháng vừa qua, tác động của việc mở cửa lại của nền kinh tế Trung Quốc đã giảm đi rất nhanh so với kỳ vọng.
Ông Coppola nhấn mạnh, tất cả những điều trên tạo ra áp lực với kinh tế Việt Nam khi mà sức cầu bên ngoài tạo áp lực lên kinh tế Việt Nam bởi kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao. Trong thời gian qua, Việt Nam đóng vai trò ngày một lớn hơn trong chuỗi cung ứng của kinh tế toàn cầu, thu hút được đầu tư nước ngoài và đóng vị trí vô cùng quan trọng trên thị trường xuất khẩu. Nhưng cũng chính vì điều này, Việt Nam dễ chịu tác động từ biến động của kinh tế toàn cầu khi mà hoạt động xuất khẩu và liên quan xuất khẩu đóng góp một nửa giá trị gia tăng của Việt Nam, theo phân tích của ông Coppola.