Những cảnh báo mới về an toàn hô hấp

(NTD) - Môi trường ngày càng gia tăng ô nhiễm do khói bụi, khí thải từ các nhà máy, phương tiện giao thông... thì nguy cơ bệnh tật cho hệ hô hấp của con người đang trở thành những vấn đề đáng báo động. Vì vậy, ngày 15/12, tại TP.HCM, Hội Tai – Mũi - Họng TP.HCM và các tỉnh phía Nam tổ chức Hội thảo “Những cảnh báo mới về an toàn hô hấp” cùng với sự tham dự của các chuyên gia - bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng.

Nghiên cứu mới nhất về Chỉ số hiệu suất môi trường của Đại học Yale (EPI) nhằm đánh giá và xếp hạng các quốc gia về các vấn đề môi trường thuộc hàng ưu tiên trong hai lĩnh vực là bảo vệ sức khỏe con người và bảo vệ hệ sinh thái. Năm vấn đề chính được đánh giá, xếp hạng gồm nước và điều kiện vệ sinh, chất lượng không khí, ảnh hưởng tới sức khỏe, nông nghiệp, đa dạng sinh học và môi trường sống. Nghiên cứu được thực hiện 2 năm một lần với dữ liệu lấy từ cơ quan chính phủ và các cơ quan nghiên cứu khác.

Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng TP.HCM - BS Huỳnh Khắc Cường.

Về chỉ số ảnh hưởng tới sức khỏe, Việt Nam đạt điểm 69,61/100 và đứng thứ 93. Số điểm này được đo bởi chỉ số mức độ rủi ro do tiếp xúc với môi trường, dùng để đánh giá các mối nguy hiểm đối với sức khỏe con người gây ra bởi 5 yếu tố môi trường gồm nguồn nước, vệ sinh, ô nhiễm chất dạng hạt, ô nhiễm không khí trong gia đình và ô nhiễm ozon. Đáng chú ý nhất trong số 5 vấn đề được đánh giá, xếp hạng thì chất lượng không khí ở Việt Nam đứng thứ 170/180 quốc gia được đánh giá, xếp hạng với điểm số đạt 54,76/100.

Theo báo cáo gần đây từ Tổng cục Môi trường thì hiện nay mức độ ô nhiễm và suy thoái môi trường vẫn gia tăng. Trong đó, vấn đề lớn nhất là mức độ đô thị hóa chưa cao nhưng tốc độ đô thị hóa tăng mạnh, tỉ lệ nước thải, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh, ô nhiễm không khí, nguồn nước mặt bị ô nhiễm và thu hẹp diện tích, nhiều vấn đề ô nhiễm môi trường khác.

Cụ thể, bên cạnh các phương tiện xe gắn máy, xe hơi với lưu lượng dày đặc là những khu chế xuất, khu công nghiệp xả ra môi trường một lượng khí thải khổng lồ.

Khói bụi là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh về hô hấp.

Mặt khác, hệ thống kênh rạch chằng chịt nhưng bị lấn chiếm, xả rác thải bừa bãi cũng gây ra vấn nạn ô nhiễm ngay trong các khu dân cư. Đặc biệt hiện nay, các bệnh về tai mũi họng khá phổ biến và nhiều người nghĩ đau họng hay viêm mũi là mấy bệnh xoàng xĩnh, không cần thuốc điều trị cũng tự nhiên sẽ khỏi. Nhưng ít ai hiểu rõ được rằng, bệnh ở tai mũi họng lại là khởi đầu của rất nhiều bệnh nguy hiểm tới tính mạng.

Theo Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng TP.HCM Huỳnh Khắc Cường, cơ quan tai mũi họng là một trong những cửa ngõ quan trọng của cơ thể, liên quan tới đường ăn, đường thở, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của con người. Tại cửa ngõ này, mọi tác nhân gây bệnh bị giữ lại ở đây. Cấu tạo của những cơ quan này cũng rất nhạy cảm. Vì thế nói đó là cơ quan phòng bệnh nhưng cũng là nơi dễ bị tổn thương, dễ bị nhiễm bệnh nhất. Những cơ quan này nếu bị viêm đi viêm lại do tác động của môi trường, của các tác nhân gây bệnh khác sẽ rất dễ dẫn đến biến chứng thành các bệnh nặng hơn, hiểm nghèo hơn. 

Phan Lê