Bức ảnh chụp một cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ bế thi thể bé trai tị nạn Aylan Kurdi đã trở thành chất xúc tác khiến cả thế giới không thể ngoảnh mặt với cuộc khủng hoảng nhập cư và tị nạn ở châu Âu. Hàng triệu người cùng chung cảm xúc khi chứng kiến bức ảnh lột tả thực tế nghiệt ngã của người tị nạn Syria. "Khi tôi không thể cứu sống cậu bé, tôi nghĩ mình phải cho cả thế giới thấy cảnh tượng kinh hoàng ấy. Tôi hy vọng bức ảnh sẽ thức tỉnh mọi người", Nilufer Demir, tác giả của tấm hình, chia sẻ. Ảnh: Getty |
Phóng viên Richard Drew của hãng AP chụp bức ảnh Người đàn ông rơi gây chấn động thế giới trong vụ khủng bố 11/9 ở Mỹ. Nạn nhân là một trong những người mắc kẹt phải nhảy khỏi tháp đôi để tránh ngọn lửa và khói sau khi hai máy bay lao vào tòa nhà. Bức hình chụp tại Trung tâm Thương mại Thế giới ở thành phố New York vẫn còn ám ảnh hàng triệu người trên thế giới. Ảnh: AP |
Tháng 3/1993, trong chuyến đi tới Sudan, phóng viên Nam Phi Kevin Carter gặp cảnh một bé trai gục xuống đất vì kiệt sức khi đang trên đường tới khu vực phát đồ ăn của Liên Hợp Quốc. Một con kền kền đậu ngay sau lưng cậu. Bức hình đầy ám ảnh phản ánh nạn đói khủng khiếp hoành hành tại đất nước nghèo khó của châu Phi. Giá trị của bức ảnh được khẳng định khi Carter nhận giải thưởng Pulitzer danh giá năm 1994. Ảnh: Telegraph |
Hình ảnh phạm nhân bị tra tấn tại nhà tù Abu Ghraib, Iraq năm 2004. Một loạt hình ảnh của Bộ chỉ huy Điều tra Tội phạm Quân đội Mỹ hé lộ việc một nhóm binh lính nước này hành hạ và tra tấn tù nhân Iraq. Ảnh: AP |
Bức ảnh Em bé Napalm nổi tiếng của nhiếp ảnh gia Nick Ut khi máy bay Mỹ ném bom xuống Trảng Bàng, Tây Ninh, Việt Nam năm 1972. Trung tâm bức ảnh là bé gái Kim Phúc, 9 tuổi, đang khóc trong đau đớn. Quần áo của cô bé bị thiêu cháy trong khi từng mảng da rộp lên vì bỏng. Tác giả Nick Ut giành giải thưởng báo chí danh giá Pulitzer cho bức hình làm thay đổi cái nhìn của thế giới về chiến tranh ở Việt Nam, thổi bùng chiến dịch hòa bình và phong trào phản chiến ở Mỹ. Ảnh: AP |
The Falling Soldier (Người lính gục ngã) là bức ảnh nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của nhiếp ảnh gia Robert Capa. Ngày 5/9/1936, Capa ghi lại khoảnh khắc hy sinh của người lính anh dũng trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha. Bức ảnh gây xôn xao dư luận khi nó được đăng trên một tạp chí Pháp. Ảnh:MAGNUM |
Roger Fenton, người được coi là nhiếp ảnh gia chiến tranh đầu tiên, chụp bức ảnh các vỏ đạn đại bác nằm la liệt trên một cánh đồng cỏ cằn cỗi năm 1855. Hình ảnh "thung lũng tử thần" cho thấy sự tàn khốc của chiến tranh. Ảnh: Telegraph |
Cột khói hình nấm khổng lồ trong sự kiện Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản vẫn in đậm trong tâm trí nhiều người trên thế giới. Lực lượng Không quân Mỹ chụp lại bức ảnh sau khi thả quả bom "Fat Man" hủy diệt thành phố Nagasaki năm 1945 và khiến khoảng 80.000 người thiệt mạng. Ảnh:AP |
Bạn đọc có thể tham khảo thông tin chi tiết tại mục Thế giới
Theo Zing News