Lợi nhuận tăng, tổng tài sản giảm
8 ngân hàng niêm yết. |
Kết thúc quý 1/2015, hầu hết các ngân hàng đang niêm yết đều có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chỉ 3 ngân hàng có lợi nhuận đạt con số ngàn tỷ đồng đó là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank).
Luôn dẫn đầu trong nhóm ngân hàng đang niêm yết, kết thúc quý 1, BIDV báo lãi cao ngất ngưởng với 1.865 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 20,7% so với quý 1/2014. BIDV cho biết, lợi nhuận tăng cao do ngân hàng thực hiện đều chỉnh các khoản chi phí nội bộ giữa ngân hàng và các công ty con.
Cũng đạt mức lợi nhuận từ con số ngàn tỷ là VietinBank với tổng doanh thu đạt 4.692 tỷ đồng, tăng 8,9%, lợi nhuận sau thuế đạt 1.248 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tổng tài sản tại ngày 31/3/2015 của VietinBank bị sụt giảm 2,31%. Cùng chung số phận với VietinBank là VietcomBank với sự sụt giảm về tổng tài sản ở mức 6,45%, đồng thời lợi nhuận sau thuế của ngân hàng này cũng chỉ đạt 1.134 tỷ đồng, giảm 3,01% so với cùng kỳ năm trước.
Được biết, quý 1/2015 ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng bằng việc ban hành nhiều sản phẩm riêng biệt có tính cạnh tranh cao. Đồng thời, cải tiến hoạt động kinh doanh của khối nguồn vốn như mua bán ngoại tệ và đầu tư trái phiếu chính phủ. Do đó, khiến lợi nhuận quý 1 năm nay đã tăng mạnh hơn so với cùng kỳ.
Ngược lại với những “ông lớn” có lợi nhuận cao, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) lại có mức lợi nhuận thấp nhất chỉ đạt 15,6 tỷ đồng. Tuy nhiên so với cùng kỳ năm trước thì quý 1 năm nay, lợi nhuận của ngân hàng này đã tăng 535,2%.
Tuy nhiên, trong nhóm ngân hàng niêm yết, có 5 ngân hàng có tổng tài sản trong quý 1/2015 giảm so với đầu năm.
Ngược lại, tổng tài sản của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) lại có mức tăng mạnh nhất đạt 4,71%, tương ứng tăng 8.939 tỷ đồng từ mức 189.802 tỷ đồng (31/12/2014) lên 198.741 tỷ đồng (31/3/2015).
Hầu hết các ngân hàng đang niêm yết đều có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Ảnh minh họa |
Đối với nợ xấu, ngoại trừ Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và Ngân hàng NVB, thì tỷ lệ nợ xấu của những ngân hàng còn lại trong quý 1/2015 đều tăng mạnh. Trong 9 ngân hàng niêm yết, Vietcombank và Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB) có tỷ lệ nợ xấu cao nhất với mức 2,66%. Mặc dù, tỷ lệ nợ xấu của VietcomBank dù vẫn dưới mức 3% nhưng đã tăng thêm 0,36% so với cuối năm 2014, lên mức 2,66%.
Bên cạnh đó, quý 1 nợ xấu của VietinBank lại tăng mạnh từ hơn 4.800 tỷ đồng lên hơn 8.000 tỷ đồng, kéo tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,11% cuối năm 2014 lên 1,7%. Ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất tại quý 1/2015 là Sacombank với tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 1,49%.
Sức ép lớn đối với nợ xấu
Thời gian vừa qua, Thông tư 36, Thông tư 09 và quyết định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc tăng tỷ giá trong những tháng đầu năm đã có những tác động đối với vấn đề nợ xấu của các ngân hàng thương mại trong quý 1/2015. Đặc biệt, Thông tư 09 ban hành yêu cầu ngoài việc bán các khoản nợ xấu cho Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) nhằm giảm bớt tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3% vào cuối năm 2015 thì ngành ngân hàng vẫn phải sử dụng một phần đáng kể thu nhập của mình nhằm trích lập dự phòng và thanh lý nợ xấu trong năm 2015.
Đặc biệt, vai trò của VAMC đang ngày càng trở nên khá quan trọng khi mua lại những khoản nợ xấu với tổng giá trị lên tới 96.000 tỷ đồng trong năm 2014, tăng tổng số nợ xấu đã mua của tổ chức này hiện là 135.000 tỷ đồng. Số tiền này tương đương với 3,4% tổng số dư nợ. VAMC đã có kế hoạch mua thêm 100.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm nay, chiếm 2,5% tổng dư nợ. Với sự hỗ trợ mạnh mẽ của VAMC, CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng có thể giảm xuống còn 3% vào cuối năm 2015.
Vừa qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã có văn bản gửi các đại biểu Quốc hội báo cáo kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn. Trong báo cáo này ông Bình cho hay, cuối năm 2014, tỷ lệ nợ xấu đã bắt đầu giảm liên tiếp và được phản ánh chính xác, minh bạch hơn.
Trước đó, Thông tư 36 được ban hành, chỉ cho phép các ngân hàng thương mại và các chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho khách hàng vay để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu không được vượt quá 5% vốn điều lệ, và các tổ chức tín dụng phải có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Như vậy, Thông tư này là một công cụ mạnh mẽ để NHNN có thể xử lý vấn đề nợ xấu luôn là nỗi “ám ảnh” đối với các ngân hàng, qua đó hỗ trợ mạnh mẽ cho quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trong năm 2015.
Một lãnh đạo cấp Cục NHNN khẳng định với phóng viên Báo Người Tiêu Dùng là đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại trong nước đang trong giai đoạn tăng hết tốc lực nhằm hướng tới mục tiêu đến ngày 30/9/2015, mức nợ xấu trong toàn hệ thống sẽ phải bị khống chế ở mức 3%, nghĩa là dự kiến sẽ về đích sớm hơn so với mốc NHNN đặt ra là ngày 31/12/2015.
“Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã yêu cầu các ngân hàng phải đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, đảm bảo đến ngày 30/6/2015 xử lý được tối thiểu 60% số nợ xấu phải xử lý theo kế hoạch năm 2015; nợ xấu bán cho VAMC phải đạt không dưới 75% tổng số nợ xấu dự kiến bán cho VAMC cả năm 2015, nhằm mục tiêu đưa nợ xấu về dưới 3% vào cuối năm”. |
Ánh Hoa