Xuất hiện trở lại những phiên giao dịch tỷ đô
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam tiếp tục trải qua nhiều biến động, tăng giảm đan xen trong 6 tháng đầu năm 2023. Với giao dịch khởi sắc trong tháng 6, kết thúc phiên giao dịch ngày 30/6, chỉ số VN-Index đạt 1.120,18 điểm, tăng 11,2% so với cuối năm 2022. Đặc biệt, kết thúc phiên giao dịch 26/7, VN-Index chính thức chạm mốc 1.200 điểm sau một chuỗi ngày dài trồi sụt kể từ tháng 4/2022. Thanh khoản thị trường nửa đầu năm tuy vẫn giảm so với cùng kỳ năm 2022 song đã có nhiều tín hiệu khả quan khi thị trường đã ghi nhận những phiên giao dịch “tỷ đô”. Đơn cử, trên HoSE phiên giao dịch ngày 8/6 đạt gần 23.700 tỷ đồng, tương đương hơn 1 tỷ USD.
Nhận định về diễn biến trên thị trường chứng khoán, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam cho rằng dòng tiền chuyển dịch tích cực trên TTCK Việt Nam. Trước những động thái mạnh tay giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua, TTCK Việt Nam đã đón nhận tích cực bằng xu hướng tăng giá tích cực của nhiều phân lớp cổ phiếu từ penny (cổ phiếu tiềm năng nhưng cũng nhiều rủi ro), midcap (cổ phiếu được phát hành bởi những DN có vốn hóa từ 1.000 -10.000 tỷ đồng) cho tới cổ phiếu bluechip. 4 lần liên tiếp giảm lãi suất điều hành của NHNN đã tác động giảm trực tiếp lên mặt bằng lãi suất huy động khiến kênh tiết kiệm không còn đủ hấp dẫn; mức độ hấp dẫn của các kênh đầu tư khác cũng cho thấy những hạn chế lớn, trong khi đó kênh đầu tư chứng khoán nổi lên là một kênh đầu tư linh hoạt có thanh khoản cao, định giá cũng ở mức hợp lý. Thực tế cho thấy thanh khoản trên TTCK đã cải thiện đáng kể và ghi nhận một số phiên giao dịch với tổng giá trị toàn thị trường đạt hơn 1 tỷ USD.
Theo chuyên gia Đỗ Bảo Ngọc, sự dịch chuyển của dòng tiền mang tính chu kỳ là yếu tố sẽ hỗ trợ thị trường trong trung và dài hạn.
Về triển vọng TTCK Việt Nam trong thời gian tới, Bộ Tài chính cho biết, diễn biến tình hình trên thị trường phụ thuộc phần lớn vào các chính sách kinh tế vĩ mô và triển vọng kinh tế trong nước cũng như thế giới. Trước tình hình lạm phát bắt đầu có xu hướng giảm ở một số nền kinh tế như Mỹ và EU, lộ trình tăng lãi suất của ngân hàng trung ương một số nước cho dù vẫn tiếp tục nhưng có xu hướng chậm lại, với mức tăng nhỏ hơn. Đây là các tín hiệu tích cực cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và TTCK nói riêng. Những nỗ lực của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, giải ngân gói nhà ở xã hội cũng được kỳ vọng sẽ đem lại những tác động tích cực cho nền kinh tế Việt Nam, kích thích các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước. Ngoài ra, dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt, các yếu tố nền tảng vĩ mô và cân đối lớn cơ bản được giữ vững, trong tầm kiểm soát, các hoạt động kinh tế, tiêu dùng nội địa và du lịch quốc tế được khôi phục. Đây là yếu tố ảnh hưởng tích cực tới thanh khoản trên TTCK trong nửa cuối năm 2023. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam nói chung và TTCK nói riêng trong thời gian tới vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh môi trường quốc tế được dự báo tiếp tục biến động phức tạp, khó lường dưới tác động của các chính sách tiền tệ thất chặt, sụt giảm cầu tiêu dùng tại các đối tác thương mại lớn của Việt Nam, bất ổn địa chính trị tiếp tục kéo dài...
Chứng khoán sẽ có xu hướng tích cực hơn
Nhận định về triển vọng của thị trường, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Maybank Investment Bank cho rằng, trong 6 tháng cuối năm, chứng khoán sẽ có xu hướng tích cực hơn. Những yếu tố hỗ trợ cho thị trường được chuyên gia Phan Dũng Khánh nhắc tới gồm dòng tiền, lãi suất, chính sách tiền tệ nới lỏng kết hợp chính sách tài khóa..., đây cũng là bệ đỡ cho thị trường tích cực hơn vào năm 2024. Trong đó, yếu tố được cho sẽ hỗ trợ rất lớn cho thị trường chứng khoán chính là dòng tiền. Điều này được thể hiện qua số lượng tài khoản mở mới tăng cao cho thấy dòng tiền đang trở lại mạnh hơn. Chỉ tính riêng trong tháng 5 có hơn 105.000 tài khoản, đến cuối tháng 6, tài khoản mở mới tiếp tục tăng thêm hơn 146.000 tài khoản. Bên cạnh đó, nửa cuối năm 2023, lãi suất cũng là yếu tố hỗ trợ cho thị trường chứng khoán. Theo đó, sau khi đã đạt đỉnh vào nửa cuối năm 2022, những khoản tiền gửi tiết kiệm sẽ bắt đầu đáo hạn và kể từ quý 3, quý 4/2023 và khả năng những khoản đáo hạn này sẽ chảy nhiều vào thị trường chứng khoán, vì trong 6 tháng đầu năm, kênh đầu tư mang lại lợi nhuận nhiều nhất chính là chứng khoán. Cũng theo chuyên gia Phan Dũng Khánh, chính sách tài khóa đang song hành với chính sách tiền tệ theo hướng mở rộng, nới lỏng, hỗ trợ kinh tế cũng là yếu tố hỗ trợ thị trường. Số liệu gần đây cho thấy, đầu tư công đang được mở rộng hơn, mà một đồng đầu tư công sẽ mang lại nhiều đồng đầu tư từ những nguồn khác tốt hơn. Bên cạnh đó, chính sách thuế hiện nay cũng đang hỗ trợ cho các doanh nghiệp như việc Bộ Tài chính quyết định giảm 50% lệ phí trước bạ, giảm 2% thuế GTGT, và việc giãn, giảm nhiều loại thuế, phí, lệ phí khác.
Theo nhận định của VNDirect Research, với kỳ vọng lãi suất huy động sẽ tiếp tục hạ trong những quý tiếp theo trong khi lợi nhuận các doanh nghiệp trên sàn bắt đầu phục hồi, TTCK Việt Nam xứng đáng được định giá cao hơn. Với kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ giảm từ nửa sau năm 2023, VN-Index có thể bắt đầu tạo xu hướng tăng. Dự báo về diễn biến TTCK nửa cuối năm, VNDirect Research đưa ra hai kịch bản, trong đó, tại kịch bản cơ sở, VN-Index được dự báo có thể đạt 1.300 điểm trong nửa sau năm 2023, tương ứng với mức P/E năm 2023 là 13,3 lần. Với kịch bản kém tích cực hơn, VNDirect dự kiến VN-Index sẽ giao dịch xung quanh mốc 1.100 điểm trong nửa sau năm 2023. Các chuyên gia của VNDirect cho rằng nhiều khả năng thị trường sẽ thiên về kịch bản cơ sở.