Doanh nghiệp cần được hỗ trợ thiết thực hơn
Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính đã đề xuất Chính phủ trình Quốc hội giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 30% cho toàn bộ doanh nghiệp năm 2020, thay vì chỉ áp dụng với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng.
Đề xuất này đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Theo một số chuyên gia thì việc "giảm 30% thuế thu nhập cho mọi doanh nghiệp" chưa thiết thực. Vì các biện pháp hỗ trợ như ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp vì không thực chất, chỉ tập trung vào doanh nghiệp không bị ảnh hưởng còn doanh nghiệp gặp khó khăn lại không được cứu.
Kết quả khảo sát của chính Ban IV cũng chỉ ra những khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp phải đối mặt trong tình hình hiện nay và những tháng tới là: không có khách hàng, đơn hàng, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ (chiếm 81% câu trả lời); đảm bảo tiền trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn (chiếm 72%); trả tiền vay ngân hàng cả gốc và lãi (chiếm 53%); trả tiền điện nước - nhiên liệu đầu vào (chiếm 45%) và trả tiền thuê kho bãi, nhà xưởng, văn phòng, thiết bị (chiếm 42%).
Như vậy, chính sách hỗ trợ phải hướng tới việc trợ giúp các doanh nghiệp về những khó khăn nêu trên. Nếu ngân sách có thì bù đắp/miễn giảm một phần những chi phí đó cho họ. Việc ưu đãi thuế thu nhập là không cần thiết.
Theo Ban IV thì đề xuất giảm 30% thuế thu nhập cho mọi doanh nghiệp xuất phát từ nguyện vọng của các doanh nghiệp. |
Chia sẻ mới đây, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, cho rằng nhiều doanh nghiệp phản ánh rằng khó để tiếp cận các gói hỗ trợ, bởi thủ tục rất khó khăn. Hiện nay, doanh nghiệp cần phải tồn tại thì sau này mới có thể phục hồi được sản xuất. Trong khi đó, điều nguy hiểm nhất của các doanh nghiệp hiện tại là mất tính thanh khoản. Có nghĩa là họ mất khả năng chi trả tiền lương cho người lao động, trả tiền cho nhà cung cấp, trà nợ ngân hàng, trả thuế Chính Phủ.
Xuất phát theo nguyện vọng của doanh nghiệp
Trao đổi với báo chí liên quan đến câu chuyện này, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Phó giám đốc thường trực Văn phòng Ban IV cho biết, đề xuất của nhóm nghiên cứu xuất phát từ nguyện vọng của các doanh nghiệp.
Theo bà Thủy, từ đầu năm 2020, Ban IV đã thực hiện 3 cuộc khảo sát về tình hình doanh nghiệp. Ở cuộc khảo sát đầu tiên (tháng 3/2020), gần 43% số doanh nghiệp được hỏi đã kiến nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT và các loại thuế khác. Trong đó mức giảm thuế suất thuế TNDN được kiến nghị phổ biến là 50% cho cả năm 2019 và 2020.
Tại cuộc khảo sát lần 3 (tháng 8/2020), kiến nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp lại được đề cập, mặc dù trước đó 2 tháng Quốc hội đã ra nghị quyết giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 cho các doanh nghiệp có doanh thu không quá 200 tỷ đồng. Mức kiến nghị giảm vẫn là 50% cho cả hai năm 2019 và 2020.
Trong đó, kết quả lần này ghi nhận, có 20% doanh nghiệp đã phải dừng hoạt động, 76% doanh nghiệp không cân đối được thu chi, 2% doanh nghiệp đã giải thể và chỉ có 2% doanh nghiệp tạm thời chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Các doanh nghiệp được thúc đẩy để phát triển kinh doanh, tái cấu trúc hệ thống nhằm dịch chuyển sang nhóm được hưởng ưu đãi, tác động tích cực đến nền kinh tế nói chung. Do vậy, đối tượng thụ hưởng lần này được xem xét trên diện rộng, đặc biệt các doanh nghiệp nỗ lực vượt khó, tìm cách phục hồi sau đại dịch.
Dữ liệu của phía Ban IV cho thấy trong 2% doanh nghiệp tăng trưởng dương, hơn 77% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp lớn (định nghĩa là có trên 200 lao động) chiếm 12,7%. "Các quan điểm và cách tiếp cận chính sách khác nhau nên không có đúng và sai. Vấn đề Chính phủ cân nhắc và đưa ra lựa chọn nào", bà Thuỷ nói.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhận định phải có các biện pháp hỗ trợ cả doanh nghiệp nhỏ và vừa lẫn doanh nghiệp lớn đang gặp khó khăn về thiếu hụt dòng tiền vì doanh thu giảm nghiêm trọng. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được đề xuất kéo dài đến cuối năm, thậm chí sang tận 2021 nếu dịch phức tạp. Các biện pháp như gia hạn các loại thuế như giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, cơ cấu thời hạn nợ, miễn giảm lãi, phí... đều được cân nhắc.
Để kích cầu, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 5% nhằm giảm chi phí cho người tiêu dùng, kích cầu sau dịch; giảm tối thiểu 50% các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... trong năm 2020. Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cũng có đề xuất ngân hàng mở rộng hình thức vay tín chấp, tiếp tục ưu đãi lãi suất với các khoản vay đầu tư, giảm lãi suất các khoản vay hiện tại, khoanh nợ và giãn thời gian trả nợ. |
Vy Vy