Nhiều ngân hàng vẫn chơi trò chi trả cổ tức bằng cổ phiếu

(NTD) - Trả cổ tức bằng cổ phiếu là một cách “động não” vừa kích thích cổ đông vừa thuận tiện trong việc tăng vốn điều lệ. Tuy nhiên, nếu cổ phiếu ngân hàng sụt giảm và kém sức hút thì cổ đông sẽ chịu thiệt thòi.

VIB vừa thông qua kế hoạch chia cổ tức cho cổ đông 5% bằng tiền mặt và 31% bằng cổ phiếu. (Ảnh: Vy Vy).

Cổ tức bằng cổ phiếu

Đến thời điểm này, hầu hết các ngân hàng đã tổ chức xong đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2018. Theo đó, bức tranh cổ tức cũng đã hiện lên rõ nét. Nhiều ngân hàng chia cổ tức “khủng” cho cổ đông. Trong đó, ngoài tiền mặt, các ngân hàng cũng sử dụng chiêu bài chi trả cổ tức bằng cố phiếu khá nhiều.

Tính đến nay, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vẫn là ngân hàng trả cổ tức cao nhất nhì trong ngành với tỷ lệ 30,22% vốn điều lệ. Đồng thời, nhà băng này còn dự kiến chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông. Tính trên số cổ phần phổ thông hiện nay, tỷ lệ chi trả cổ tức, cổ phiếu thưởng của VPBank lên đến 67%. Tổng giá trị của đợt phát hành này hơn 3.400 tỷ đồng. Tại kỳ ĐHĐCĐ năm 2018 vừa diễn ra, Hội đồng Quản trị (HĐQT) VPBank cho biết, kế hoạch này sau khi được Ngân hàng Nhà nước thông qua, ngân hàng sẽ phân phối lợi nhuận nhanh nhất cho các cổ đông.

VIB vừa thông qua kế hoạch chia cổ tức cho cổ đông 5% bằng tiền mặt và 31% bằng cổ phiếu. Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) nếu như mọi năm chỉ chi trả cổ tức trên dưới 10% thì năm nay quyết trả cổ tức tỷ lệ 11% cộng thêm cổ phiếu thưởng 14%, tức tổng cộng 25%. Hay như, HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cũng dành 600 tỷ đồng từ nguồn thặng dư lợi nhuận để lại để chia cổ phiếu thưởng.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2018 vừa qua, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã thông qua kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 14,2%. OCB cũng đang quá trình chuẩn bị cho kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE vào cuối quý 3 hoặc đầu quý 4/2018.

Trong mùa đại hội năm nay, việc các ngân hàng chi trả cổ tức bằng cổ phiếu phần nào cũng xoa dịu được các cổ đông bởi thị trường chứng khoán phát triển mạnh, giá cổ phiếu đều tăng gấp 2, gấp 3, thậm chí là gấp 5 so với những năm trước nên việc được chia cổ tức bằng cổ phiếu còn là phần thưởng đem lại lợi ích theo cấp số nhân với cổ đông nhiều ngân hàng.

Cổ tức bằng cổ phiếu, sức khỏe ngân hàng có tốt?

Nhìn lại câu chuyện ngân hàng nhiệt tình chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, ngoài việc làm ấm lòng cổ đông thì còn một lý do rất quan trọng đó chính là việc các nhà băng cũng đang tranh thủ thời cơ để tăng thêm vốn điều lệ.

Tại OCB, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB, cho biết để tăng quy mô hoạt động, OCB tăng vốn điều lệ lên 7.500 tỷ đồng, tức tăng thêm 2.500 tỷ đồng. Nguồn vốn tăng thêm là để đẩy mạnh cho vay, đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ, quản trị rủi ro, mở rộng mạng lưới… MB cũng dự kiến tăng vốn điều lệ từ hơn 18.000 tỷ đồng lên 21.600 tỷ đồng...

Việc tăng vốn điều lệ giúp ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, mở rộng tín dụng, hiện đại hóa cơ sở vật chất… là điều nhìn thấy rõ ràng. Việc tăng vốn điều lệ là nhiệm vụ cấp bách của ngân hàng trước nỗi lo lắng trong việc đáp ứng đủ tiêu chuẩn Basel II.

Tuy nhiên, đằng sau câu chuyện tăng vốn ồ ạt của các ngân hàng trong năm 2018 lại là nỗi lo của các cổ đông. Việc tăng vốn quá nhanh sẽ gây áp lực pha loãng cổ phiếu, khiến tốc độ tăng trưởng EPS (lợi nhuận tính trên 1 CP) chậm lại, đồng nghĩa với P/E của cổ phiếu ngân hàng ở ngân hàng vốn đã ở mức cao nay lại tiếp tục tăng thêm, gia tăng rủi ro.

Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, cổ phiếu ngân hàng đã tăng quá mạnh trong thời gian qua, nên thời gian tới khó có thể tiếp tục bùng nổ, bởi bên cạnh lượng cung lớn từ các đợt phát hành thêm lại có thêm cổ phiếu mới lên sàn.

Như vậy, nếu thị trường chứng khoán tiếp tục hưng phấn thì sẽ không vấn đề gì, nhưng trong tình huống gặp rủi ro thì có thể nợ xấu ngân hàng sẽ bùng phát trở lại. Đó sẽ là rủi ro dẫn đến làm giảm lợi nhuận khối các ngân hàng trong tương lai.

Cũng có ý kiến cho rằng, thị trường chứng khoán đang khá thuận lợi, nhưng ngân hàng vẫn chật vật tăng vốn, chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, cho thấy, “sức khỏe” của nhiều ngân hàng vẫn chưa thực sự vững vàng. Điều này cũng giải thích tại sao, dù lợi nhuận lên tới hàng ngàn tỷ đồng, thậm chí chục ngàn tỷ đồng, song cổ phiếu họ ngân hàng vẫn thấp xa so với nhiều ngành khác.

Vì thế, các chuyên gia cũng cảnh báo nhà đầu tư cần tỉnh táo và thận trọng.

 Vân Lam

 
Nên đọc