Hiện nay ĐBSCL có đến 14 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành hoặc đang xây dựng. Tại 2 dự án (Nhà máy nhiệt điện 1 và 3) thuộc cụm nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải (xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) vẫn còn nhiều vấn đề nan giải liên quan đến các vấn đề về môi trường.
"Cả 2 dự án này vẫn không có báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (SEA); không có báo cáo đánh giá môi trường tích lũy (CIA), không có báo cáo kế hoạch quản lý môi trường (EPM).
Ngoài hàng loạt những thiếu sót trên, trong đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cũng thiếu lập luận vì sao chọn ĐBSCL, đặc biệt là cửa sông Hậu làm nơi tập trung đặt nhà máy nhiệt điện than.
Phải chăng sắp có "Formosa" thứ 2 tại ĐBSCL? Ảnh Báo Dân Việt |
Hơn nữa, cũng như không có luận chứng vì sao công nghệ, thiết bị xây dựng và vận hành đều chọn Trung Quốc mà không phải một quốc gia nào khác”, PGS.TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Trường ĐH.Cần Thơ) sợ rằng những nhà máy nhiệt điện than, điện gió tại ĐBSCL sẽ là Formosa thứ 2 tại khu vực này.
Còn theo bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) chia sẻ: "Hiện có nhiều nhà máy nhiệt điện hiện diện ở ĐBSCL nhưng vùng này vẫn chưa có quy hoạch riêng về phát triển điện. Sản xuất than là loại hình sản xuất tiêu thụ nhiều nước nhất.
Theo tính toán, để sản xuất ra 1 MWH điện cần dùng khoảng 4.163 lít nước. Chẳng hạn như lượng nước tiêu thụ riêng cho nhà máy điện Long An 1 trong 1 ngày đã gấp 3 lần hệ thống cấp nước sạch của cả TP.Hà Nội.
Cũng theo bà Khanh thì Ban chỉ đạo Tây Nam bộ cần xem xét lại các dự án nhiệt điện than, điện gió tại khu vực ĐBSCL để bảo đảm về môi trường và tránh ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Chu Du