Nhiều đại học dùng kết quả tốt nghiệp để tuyển sinh

Đề án tuyển sinh riêng của nhiều ĐH, CĐ có sử dụng một phần kết quả thi tốt nghiệp THPT kết hợp với thi tuyển, phỏng vấn để lấy sinh viên đầu vào, Thứ trưởng Giáo dục Nguyễn Vinh Hiển cho biết.

Học sinh hiện nay hướng tới sự phát triển toàn diện, nhưng dự thảo thay đổi thi tốt nghiệp THPT lại rút bớt môn thi, điều này có thể dẫn tới tình trạng học lệch các môn?

- Việc xét công nhận và xếp loại tốt nghiệp không chỉ sử dụng kết quả thi như hiện nay mà sử dụng cả kết quả đánh giá trong quá trình học tập (cùng có trọng số 50%).

Muốn có hồ sơ dự tuyển đại học tốt (gồm kết quả học tập tốt và kết quả tốt nghiệp tốt) thì học sinh không thể học lệch mà phải nỗ lực học tất cả các môn, nhất là ở lớp 12. Mặt khác, để góp phần khắc phục tình trạng học lệch, học tủ thì đề thi sẽ điều chỉnh theo hướng: tăng cường câu hỏi mở với các môn tự luận nhằm phát huy khả năng vận dụng kiến thức tổng hợp của học sinh, tránh tình trạng học sinh giải quyết vấn đề một cách máy móc theo khuôn mẫu có sẵn, “đoán mò” và “học tủ”.

- Bộ quy định miễn thi tốt nghiệp cho khoảng 20% học sinh, vậy tại sao không có tiêu chí xét cho tất cả học sinh mà lại khống chế tỷ lệ?

- Trong điều kiện bệnh thành tích chưa được giải quyết triệt để và vấn đề kỷ cương, kỷ luật còn phải được tăng cường, nếu không khống chế tỷ lệ được miễn thi, các trường có thể nới lỏng khâu kiểm tra, đánh giá để có nhiều học sinh được miễn thi. Việc khống chế tỷ lệ sẽ tạo sự cạnh tranh lành mạnh, góp phần đảm bảo việc đánh giá nghiêm túc và chịu giám sát từ nhiều phía như học sinh, phụ huynh…

Tỷ lệ miễn thi có thể được tăng thêm và tiến đến toàn bộ học sinh đạt chuẩn đều được miễn thi, khi kỷ cương được thắt chặt.

Bộ GD&ĐT đã áp dụng phương pháp PISA để đánh giá chất lượng giáo dục các tỉnh/thành phố, tới đây sẽ công bố định kỳ. Kết quả PISA sẽ là căn cứ phân biệt tỷ lệ miễn thi tốt nghiệp cho các địa phương.

Mối liên hệ giữa đổi mới thi tốt nghiệp THPT với đổi mới tuyển sinh đại học, cao đẳng là gì, thưa ông?

- Các trường tự chủ tuyển sinh được quyền lựa chọn phương thức như: thi tuyển, xét tuyển, kết hợp thi tuyển và xét tuyển cùng các hình thức khác để đáp ứng yêu cầu chất lượng đầu vào và ngành, nghề đào tạo của trường. 

Họ có thể sử dụng kết quả học tập và thi tốt nghiệp ở THPT làm dữ liệu tuyển sinh. Nếu thi tốt nghiệp được tổ chức tốt, độ tin cậy cao, sẽ có nhiều trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả này để tuyển sinh. Như vậy, việc tuyển sinh sẽ linh hoạt, nhẹ nhàng hơn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng nguồn tuyển. Trong những năm trước mắt, các cơ sở giáo dục đại học có thể sử dụng kết quả tốt nghiệp ở mức độ phù hợp, cùng các hình thức khác như thi tuyển, phỏng vấn…

Thực tế, nhiều trường ĐH, CĐ xây dựng đề án tuyển sinh riêng có sử dụng một phần kết quả thi tốt nghiệp THPT phối hợp với thi tuyển, phỏng vấn.

Theo Bộ, thay đổi trong kiểm tra đánh giá và thi cử có thể làm được ngay. Vậy sau năm 2014, sẽ tiếp tục có những thay đổi gì?

- Để đạt mục tiêu chuyển từ giáo dục coi trọng trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực thì phải đổi mới chương trình và sách giáo khoa, kiểm tra – thi – đánh giá. Phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ đang xin ý kiến là phương án của giai đoạn quá độ, dùng cho học sinh học theo chương trình – sách giáo khoa cũ (có đổi mới).

Sẽ có phương án thi THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ hoàn chỉnh khi thế hệ học sinh học chương trình mới đến giai đoạn tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ.

Hoàng Thùy

Nguồn: vnexpress.net