Nhiều bất cập trong việc học sách giáo khoa riêng

(NTD) - Trong khi việc lạm thu đầu năm học chưa kịp lắng xuống thì ngành giáo dục lại khiến phụ huynh băn khoăn khi một số trường THPT tại TP.HCM tự biên soạn sách giáo khoa (SGK) riêng để giảng dạy.

Là cán bộ của một trường THPT tại TP.HCM có áp dụng việc dạy SGK riêng, ông T. V. K cho biết trường ông đã áp dụng phương pháp dạy và học này từ năm 2016. Theo ông K, nội dung SGK do nhà trường biên soạn riêng để giảng dạy cho học sinh vẫn bám sát các kiến thức theo chương trình của SGK chuẩn. Tuy nhiên, lượng kiến thức đã được cô đọng, rút gọn để học sinh nắm kỹ và hiểu rõ vấn đề hơn.

“Theo tôi, đất nước ta chia làm 3 miền là Bắc, Trung, Nam và mỗi miền lại có những đặc trưng khác nhau về ngữ điệu. Tôi đưa ra ví dụ: Ở miền Bắc dùng từ quả ngô, con lợn, đơn vị tính là nghìn đồng nhưng tại miền Nam lại dùng trái bắp, con heo, ngàn đồng. Chính vì vậy, khi biên soạn SGK riêng, chúng tôi đã căn cứ trên khác biệt vùng miền để học sinh tiếp cận với ngôn ngữ dễ dàng, từ đó nắm bắt kiến thức sâu sắc hơn” - ông K nói thêm.

 

Đối với việc học theo SGK riêng, chị Trần Thị Kiều, ngụ tại Q.1 băn khoăn tại sao con của họ phải học SGK riêng trong khi đã có SGK chuẩn do Bộ GD-ĐT quy định? Không chỉ vậy, con gái của chị Kiều hiện đang học tại một trường THPT tại Q.7 tâm sự với chị rằng sách riêng do nhà trường yêu cầu học sinh mua để học thực chất là những tài liệu do các thầy, cô giáo dạy các bộ môn biên soạn. Những tài liệu này là những kiến thức tóm tắt từ các mục, các bài từ SGK chuẩn và giống hệt giáo án giảng dạy, chỉ khác ở cách trình bày. Nhiều khi các đề mục trong giáo án bị sai, các thầy cô còn yêu cầu học sinh sửa lỗi ngay trên chính những tài liệu được cho là SGK riêng kia.

Một vấn đề nữa khiến chị Trần Thị Kiều quan tâm chính là giá thành của một bộ SGK riêng không hề rẻ: 50.000 đồng/cuốn. Chị Kiều bày tỏ quan điểm: “Tôi nghĩ Bộ GD-ĐT nên thống nhất với các sở để biên soạn những bộ SGK chuẩn nhất để đưa vào giảng dạy. Nếu SGK do cá nhân các trường biên soạn phải do đội ngũ cán bộ giỏi chuyên môn và có kinh nghiệm thực hiện. Tránh tình trạng sửa đi sửa lại nhiều lần khiến học sinh hoang mang”.

Phụ huynh Trần Thị Mộng Trinh có con học tại một trường cơ sở tại quận Tân Bình đã thẳng thắn bày tỏ: “Nếu tỉnh thành nào cũng như TP.HCM sẽ không biết có bao nhiêu bộ SGK riêng”.

Ông Nguyễn Văn Công, cán bộ làm việc tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, nêu quan điểm đối với việc sử dụng sách riêng là tùy vào điều kiện từng trường sẽ có phương án dạy và học hợp lý. Tuy nhiên, SGK được biên soạn riêng của từng trường chỉ nên là những tài liệu để giáo viên và học sinh tham khảo. Bởi lẽ, khó có một tài liệu sau khi biên soạn được đầy đủ và chính xác như SGK chuẩn.

Theo ông Công, tài liệu SGK riêng đòi hỏi phải được thực hiện trong một quá trình lâu dài chứ không phải một sớm một chiều vì lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo như Bộ GD-ĐT công bố là vào năm 2018-2019 nhưng tính đến thời điểm hiện tại, SGK vẫn đang đứng trước nhiều thông tin cần chỉnh sửa, chưa có chương trình khung. Chính vì vậy, việc biên soạn một bộ SGK riêng là rất khó khăn. Mặt khác, việc biên soạn SGK riêng chắc chắn phải được biên soạn từ những người có trình độ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy.

Một lưu ý quan trọng được ông Công đề cập đến là chương trình sách giáo khoa của nước ta có thể sẽ thay đổi để phù hợp với thực tế. Vậy, mỗi khi thay đổi chương trình SGK chuẩn, SGK biên soạn riêng cũng phải thay đổi theo. Do đó các cơ sở giáo dục cần xem xét và cân đo kỹ lưỡng lượng kiến thức khi biên soạn SGK riêng để làm sao học sinh tiếp cận kiến thức một cách tốt nhất.

 Bài và ảnh: Ngọc My

 
Nên đọc