Nhiệm vụ và giải pháp nâng cao đạo đức hành nghề trong giai đoạn hiện nay

(NTD) - Sáng ngày 28/8/2019, Liên hiệp các Hội KH và KT Việt Nam tổ chức Diễn đàn Nhiệm vụ và giải pháp nâng cao đạo đức hành nghề trong giai đoạn hiện nay.

Nhiều ý kiến của các đại biểu tại Diễn đàn cho rằng: một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy thoái về đạo đức trong các ngành nghề, lĩnh vực thời gian qua là do hệ thống pháp luật chưa đủ mạnh để điều chỉnh hành vi hoặc răn đe những hành vi xấu.

Diễn đàn "Nhiệm vụ và giải pháp nâng cao đạo đức hành nghề trong giai đoạn hiện nay"

Chia sẻ tại  Diễn đàn TS. Phạm Văn Tân, Phó chủ tịch, Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam cho rằng,  đạo đức nghề nghiệp là một khái niệm nhạy cảm đối với bất cứ ngành nghề nào trong xã hội, Tuy nhiên, để có thể thành công và phát triển trong môi trường xã hội, đạo đức nghề nghiệp lại chính là tài sản vô hình quý giá của người hành nghề, đạo đức nghề nghiệp mang lại lợi ích cho cả cá nhân người hành nghề, tổ chức mà cá nhân đó hoạt động và cho xã hội.

Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn,  TS Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, đạo đức luôn có tính chuẩn mực xã hội: Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, nhưng lại được coi như “khuôn vàng”, “thước ngọc” để con người soi chiếu mình và đo lường hành vi của người khác. Các quy tắc đạo đức nảy sinh từ đời sống xã hội, bắt đầu từ sinh hoạt cá nhân, dần hình thành nên những giá trị phổ quát, rộng lớn. Từ chỗ được hình thành dưới dạng tạm thời, ngẫu nhiên, sau thời gian thử thách, đánh giá, dần được công nhận, đề cao và tôn trọng.Không chỉ là các chuẩn mực, quy tắc ứng xử thông thường, đạo đức chính  là một trong các nền tảng của tư tưởng xã hội, pháp luật và tôn giáo. Nó vừa là mục tiêu, vừa là phương tiện, chỗ dựa vững chắc cho Nhà nước, tôn giáo, chính trị và pháp chế trụ vững và thành công. Các chủ thuyết đạo đức nổi tiếng có tầm ảnh hưởng lớn đến nhân loại và đã trở thành kinh điển lâu dài trong xã hội, nhiều thứ trở thành chân ngôn rộng rãi, có giá trị.

Tại Diễn đàn các đại biểu cũng  đề xuất tập trung vào một số biện pháp cơ bản như: nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức đạo đức nghề nghiệp cho người lao động; hoàn thiện và kiện toàn hệ thống pháp luật của từng ngành nghề, tạo cơ sở hành lang pháp lý trong việc khen thưởng và xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với người lao động cũng như cán bộ lãnh đạo quản lý.

Thanh Tùng

Nên đọc