Hội thảo quy tụ nhiều nhà báo, nhà thơ, nhà văn lớn trên địa thành phố và cả nước như: Nhà báo Nguyễn Trọng Dật, nhà báo Anh Khuê, nhà thơ Nguyễn Duy, nhà văn - nhà báo Nguyễn Ngọc Hải, nhà báo Lê Minh Quốc...
Xuyên suốt buổi hội thảo, các nhà văn, nhà báo đã dành phần lớn thời gian để cùng nhau trải lòng về những khó khăn, thử thách trong việc tuyên truyền văn hóa nghệ thuật trên báo chí hiện nay.
Nhà báo Dương Trong Dật cho rằng, đối với việc phổ biến, tuyên truyền thành tựu của văn hóa nghệ thuật báo chí có một vai trò đặt biệt to lớn. Không chỉ tuyên dương những tác phẩm và tác giả mới, công bố những tác phẩm, ủng hộ những những tác giả trẻ mà thông qua báo chí những thể hiện mới trong văn học nghệ thuật cũng được bộc lộ.
Nhà báo Dương Trọng Dật phát biểu tại buổi hội thảo |
Cùng chung quan điểm, nhà văn - nhà báo Nguyễn Ngọc Hải trải lòng: “Nhớ lại những năm trước đây, thành phố (TP) có những chương trình, phòng trào sinh hoạt văn hóa nghệ thuật tạo tiếng vang lớn và có thể nói là vẫn còn dư âm đến tận ngày hôm nay. Đó như là một truyền thống của TP mình. Tôi rất vui mừng là cho đến nay những vị lãnh đạo TP và Tổng biên tập các tờ báo luôn quan tâm sát sao đến hoạt động tuyên truyền văn hóa nghệ thuật, tạo điều kiện để hoạt động văn hóa văn nghệ sôi nổi và rất đa dạng”.
Tuy nhiên, nhiều nhà văn, nhà báo cũng trăn trở về những khó khăn, thách thức mà công tác tuyên truyền văn hóa nghệ thuật gặp phải.
Nhà thơ - nhà báo Lê Minh Quốc cho rằng cần phải giáo dục lại một bộ phận phóng viên văn hóa văn nghệ trẻ |
Trong khi đó nhà thơ - nhà báo Lê Minh Quốc lại thẳng thắn: “Với tư cách là người làm báo 30 năm nhìn về thế hệ trẻ, tôi nhìn nhận chúng ta cần phải đào tạo lại một bộ phận phóng viên văn hóa văn nghệ nếu không công tác tuyên truyền văn hóa văn nghệ cũng sẽ không đi về đâu. Tôi xin kể ra đây một câu chuyện, một số ca sĩ khi gặp tôi tỏ ra ngán ngẩm với những phóng viên trẻ văn hóa văn nghệ, thay vì hỏi trong album mà ca sĩ sắp ra có gì đẹp, có gì giúp cho đời thì phóng viên trẻ khi gặp ca sĩ toàn hỏi mấy câu đại loại “anh có bồ mới chưa?”, “anh đã li dị vợ chưa?”… tức là báo chí chúng ta đang đi vào cái riêng, khai thác đời tư để “câu view” hơn là chúng ta đi vào cái đẹp trong sáng tác của nghệ sĩ.
Thậm chí, bây giờ công tác tuyên truyền văn hóa văn nghệ của chúng ta theo một phương thức rất là quái - “copy/paste” toàn bộ thông cáo báo chí. Bài nào trên mặt báo tuyên truyền văn hóa văn nghệ của chúng ta cũng y chang nhau, nhiều lắm là các anh chị thay vài chữ. Vì vậy, sự ra đời của Câu lạc bộ Văn hóa Văn Lang tôi rất tán thành. Hi vọng câu lạc bộ với sự cộng tác của nhà thơ Nguyễn Duy, nhà báo Dương Trọng Dật… ít nhiều có thể thay đổi cái ý thức ở lớp trẻ, về cách làm của lớp trẻ”.
Toàn cảnh buổi hội thảo |
Theo đại diện Trường Đại học Văn Lang, CLB Văn hóa Văn Lang được thành lập nhằm thực hiện ước mơ biến giảng đường đại học trở thành một trung tâm hoạt động văn hóa nghệ thuật, trước mắt là ở TP.HCM.
Sắp tới đây, trong hoạt động kỷ niệm 25 năm thành lập, Đại học Văn Lang cũng đang chuẩn bị ra mắt Nhà hát - Truyền hình Văn Lang. Hi vọng đây sẽ là cú hích thúc đẩy những hoạt động văn hóa nghệ thuật sôi nổi hơn ở Đại học Văn Lang.
Văn Nguyễn