Công trình thủy điện Huội Quảng được xây dựng trên sông Nậm Mu thuộc địa bàn 2 tỉnh Lai Châu và Sơn La, gồm nhà máy thủy điện ngầm đầu tiên do Việt Nam thiết kế với 2 hầm dẫn nước được đặt ngầm trong lòng núi. Đây cũng là công trình lớn thứ 4 thuộc quy hoạch bậc thang thủy điện trên hệ thống sông Đà, với công suất lắp máy 520MW, đập vòm bằng bê tông cao hơn 100m, gồm 2 tổ máy, sản lượng điện hàng năm trên 1,9 tỷ KWh.
Khi mới chuẩn bị đầu tư xây dựng, công trình có tên là Huổi Quảng (nơi có suối Huổi Quảng đổ vào sông Nậm Mu ở bản Tàng Khê, xã Khoen On). Tuy nhiên trong quá trình lập hồ sơ khảo sát thiết kế, dấu hỏi trong hồ sơ bị ‟vô tình” rơi xuống dưới thành dấu nặng nên tên công trình bị đổi thành Huội Quảng.
Công trình Thủy điện Huội Quảng gồm hồ thủy điện Huội Quảng xây dựng trên dòng chính sông Nậm Mu thuộc địa phận Xã Khoen On, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu và Nhà máy thủy điện Huội Quảng đặt ngầm trong núi thuộc địa phận xã Chiềng Lao, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Công trình đầu mối hồ Thủy điện Huội Quảng cách công trình đầu mối hồ Thủy điện Bản Chát khoảng 27km về phía hạ lưu, cách thành phố Lai Châu khoảng 140km về phía đông nam.
Công trình có 2 hầm dẫn nước ngầm trong lòng núi, mỗi đường hầm dài 4,2km, đường kính 7,5m, máy phát điện được đặt ngầm trong núi do 2 đơn vị của Tổng công ty Sông Đà và Tổng công ty Lũng Lô đảm nhận thi công bằng phương pháp đào hầm hiện đại.
Công trình chính thức khởi công xây dựng ngày 08/1/2006, dẫn dòng thi công đợt 1 vào ngày 27/1/2011. Ngày 01/12/2015, hồ Thủy điện Huội Quảng bắt đầu tích nước. Ngày 28/12/2015, tổ máy số 01 và ngày 19/6/2016 tổ máy số 2 của công trình hòa vào lưới điện quốc gia.
Ngoài nhiệm vụ chính là cung cấp bổ sung nguồn điện năng lớn lên hệ thống điện lưới quốc gia, các công trình của Thủy điện Huội Quảng và Bản Chát (ở phía thượng lưu hồ Huội Quảng) đã điều phối lại dòng chảy của sông Nâm Mu, góp phần gia tăng công suất cho các công trình Thủy điện Hòa Bình và Thủy điện Sơn La (ước tính sản lượng điện của hai công trình này mỗi năm tăng thêm khoảng 388,4 triệu kWh), hạn chế lũ về mùa mưa, cung cấp nước về mùa khô cho đồng bằng Bắc Bộ và góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc.