Chiếm đoạt tiền cọc!
Mới đây, khách hàng Cao Thị Thúy Phượng (phường Thạnh Xuân, quận 12, TP.HCM) đã có phản ánh tới cơ quan chức năng việc CTCP Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Đông Duy có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản vì môi giới một dự án lớn của quận 9, đã thu tiền nhưng không thực hiện đúng cam kết.
Theo chị Phượng, khi ký hợp đồng đặt cọc, vị giám đốc này nói chắc như đinh đóng cột là vào tháng 12/2018 chủ đầu tư sẽ chính thức mở bán, nhưng cứ chờ mãi đến tháng 2/2019 vẫn chưa thấy động tĩnh gì.
“Nóng lòng, tôi liền gọi cho đại diện cho CTCP Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Đông Duy để xin lấy lại tiền đặt cọc nhưng người này cứ hẹn lui hẹn tới, đến bây giờ thì khóa máy và chặn luôn số điện thoại của tôi” - chị Phượng bức xúc.
Tình trạng các công ty môi giới bất động sản thu tiền giữ chỗ thì ngon ngọt, cam kết đủ điều, tuy vậy, khi không thành công thì ôm tiền bỏ trốn hoặc gây khó dễ cho khách hàng diễn ra rất nhiều.
Mới đây, chủ đầu tư dự án An Lạc Riverside cũng cho biết dự án của công ty bị khoảng gần 10 sàn giao dịch tự ý dẫn khách đến giao dịch. Danh sách các sàn môi giới tự nhận là đối tác trực tiếp từ phía chủ đầu tư gồm công ty: Công ty BĐS Nam Trung Land, Công ty BĐS Long An Delta, Công ty BĐS Danh Khôi Real, Công ty BĐS Link House, Công ty BĐS Quang Sơn - trụ sở quận 3, Công ty BĐS Home Land, Công ty BĐS Thuận Hùng Group, Công ty BĐS Hoàng Kim Land... Hoạt động của các tay môi giới gây ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín cho chủ đầu tư và đơn vị phát triển dự án.
Hay Công ty TNHH Gia Phát Investment tiến hành quảng cáo về dự án rất rầm rộ về một dự án tại quận 2, thậm chí tiến hành thu tiền giữ chỗ từ khách hàng. Tuy vậy, phía chủ đầu tư cho biết họ chưa hề ký kết với sàn giao dịch nào để giới thiệu dự án cả.
Tương tự, CTCP Long Điền cũng bằng chiêu thức “phiếu đăng ký giữ chỗ thiện chí” để thu tiền của khách hàng tại dự án Hà Đô Green Lane (quận 8). Trước việc làm liều của các sàn môi giới, phía Tập đoàn Hà Đô đã phải phát đi thông báo gửi đến Sở Xây dựng TP.HCM và khách hàng của mình, cảnh báo có nhiều sàn môi giới tự ý chạy quảng cáo, nhận tiền giữ chỗ khi dự án vẫn chưa được chủ đầu tư mở bán chính thức.
Khách hàng tin tưởng vào đám môi giới bất lương có thể tiền mất tật mang. |
Chủ đầu tư cũng ngán
Thị trường bất động sản đang khan hiếm nguồn cung, các đơn vị môi giới không có sản phẩm để bán. Để duy trì vận hành cho đội sale, khi chỉ vừa nghe có dự án mới, các sàn từng là đối tác của chủ đầu tư trước đây tin rằng mình sẽ là đơn vị được ưu tiên tiếp tục bán hàng cho dự án mới này nên “làm liều”.
Lãnh đạo công ty BĐS lớn, đang có dự án bị bán lụi ở quận 2 chia sẻ với phóng viên, thực tế nhiều công ty môi giới trước đây đã là đối tác chiến lược, họ bán hàng tốt, có lượng khách hàng lớn. Vì thế, khi nghe thông tin sắp triển khai dự án mới họ chạy trước để níu giữ lượng khách hàng tiềm năng.
“Thông thường với các khách hàng đầu tư chuyên nghiệp việc bỏ ra 50-100 triệu đồng để giữ chỗ căn hộ là việc không khó. Nắm được tâm lý này nhiều sàn tiền hành huy động vốn của khách hàng. Trường hợp dự án mở bán theo đúng kế hoạch có thể 1-2 tháng như các sàn cam kết trong “phiếu giữ chỗ thiện chí” và họ được chủ đầu tư tiếp tục tin tưởng cho dự án mới này thì khách hàng được ưu tiên lớn trong đợt mới bán. Tuy vậy, trường hợp quá trình sàng lọc đối tác, chủ đầu tư loại sàn đối tác trước đó đã bán không tiếp tục hợp tác, hoặc dự án lùi kế hoạch mở bán 6 tháng tới 1 năm thì lúc này khách hàng “lãnh đủ”. Rủi ro có thể đến từ việc đại lý ôm tiền bỏ trốn, không thực hiện đúng cam kết hoặc gây khó dễ nếu khách hàng muốn lấy lại tiền giữ chỗ” - vị lãnh đạo này phân tích.
Lãnh đạo Công ty Hà Đô 756 cho biết: “Việc nhận tiền đặt cọc giữ chỗ không có giá trị để ràng buộc khách phải 100% xuống tiền, bởi sau đó khách không ưng ý vẫn có thể lấy lại tiền cọc. Trên lý thuyết là vậy, tuy nhiên đối với nhiều đơn vị không uy tín, cù nhầy không trả lại tiền cho khách hàng thì rất mất uy tín cho dự án và ảnh hưởng tới chủ đầu tư”.
“Nhưng việc kiểm soát là không dễ vì hiện nay các công ty môi giới BĐS là quá nhiều, vì vậy chỉ còn cách gửi thông báo cho khách hàng và nhờ sự can thiệp của cơ quan chức năng” - đại diện Công ty Hà Đô 756 tiếp lời.
Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Quách Mộc Tân, Giám đốc Công ty BĐS An Lạc Tân chủ đầu tư dự án An Lạc Riverside cũng cho biết sẽ gửi văn bản cho cơ quan chức năng tại địa phương nhờ can thiệp, chấn chỉnh lại nhưng sàn môi giới mạo danh công ty, bên cạnh đó sẽ dán những thông báo ngay tại dự án để cảnh báo khách hàng không tiến hành giao dịch với những sàn lửng lơ không có mối liên hệ với chủ đầu tư.
Nguyên Vũ