Người tiêu dùng sử dụng hàng hóa, sản phẩm 'chuẩn' nhờ truy xuất nguồn gốc

(CL&CS)- Vấn đề truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm, hàng hóa ngày càng trở nên thiết yếu, giúp người tiêu dùng yên tâm sử dụng những sản phẩm 'chuẩn' có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng được đảm bảo.

Cùng với kinh tế tăng trưởng, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến nguồn gốc của sản phẩm, bao gồm cả quy trình sản xuất, vận chuyển và xử lý. Do đó, vấn đề truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm, hàng hóa ngày càng trở nên thiết yếu, giúp người tiêu dùng yên tâm sử dụng những sản phẩm 'chuẩn' có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng được đảm bảo.

Theo đó, đối với hoạt động xuất khẩu, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, nhất là nông sản giúp các bên liên quan có thể truy xuất thông tin nhanh chóng, chính xác, giúp doanh nghiệp hướng đến chinh phục thị trường quốc tế vốn đòi hỏi rất khắt khe về truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong cả sản xuất lẫn thương mại.

Người tiêu dùng dử dụng hàng hóa, sản phẩm 'chuẩn' nhờ truy xuất nguồn gốc

Cụ thể, truy xuất nguồn gốc là hoạt động chỉ ra chính xác một sự kiện trong chuỗi cung ứng, xác định được một đơn vị sản phẩm, từ đó xác định thuộc về lô/mẻ sản phẩm nào (What) đang diễn ra ở đâu (Where), tại thời điểm nào (When), ai đang thực hiện (Who) và lý do sự kiện đó diễn ra (Why). Điều này sẽ gắn với trách nhiệm của các bên tham gia trong chuỗi cung ứng, nền tảng tiêu chuẩn chất lượng áp dụng và quan trọng nhất là đáp ứng quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu, quyền lợi của người tiêu dùng.

TCVN 12850:2019 chỉ rõ, “Truy xuất nguồn gốc - Yêu cầu chung đối với hệ thống truy xuất nguồn gốc”, hệ thống truy xuất nguồn gốc phải bảo đảm các nguyên tắc sau:

Nguyên tắc “một bước trước - một bước sau”: Để bảo đảm khả năng giám sát, nhận diện được công đoạn sản xuất, kinh doanh trước và công đoạn sản xuất, kinh doanh tiếp theo trong quá trình sản xuất, kinh doanh đối với một sản phẩm.

Nguyên tắc “sẵn có của phần tử dữ liệu chính”: Các phần tử dữ liệu chính phải được thu thập, lưu trữ và cập nhật kịp thời trong báo cáo thông tin chi tiết về các sự kiện quan trọng trong quá trình sản xuất và chuỗi cung ứng.

Nguyên tắc “minh bạch”: Hệ thống truy xuất nguồn gốc phải đạt yêu cầu về tính minh bạch tối thiểu bằng cách sử dụng dữ liệu tĩnh về khách hàng, bên cung ứng, sản phẩm và các điều kiện sản xuất.

Nguyên tắc “có sự tham gia đầy đủ các bên truy xuất nguồn gốc”: Hệ thống truy xuất nguồn gốc phải có sự tham gia của đầy đủ các bên truy xuất nguồn gốc của tổ chức.

Bên tham gia truy xuất trong hệ thống có thể bao gồm: Bộ phận quản lý chất lượng và an toàn; Bộ phận pháp chế liên quan đến các yêu cầu của pháp lý và tổ chức; Bộ phận quan hệ khách hàng mà cần chia sẻ thông tin liên quan; Bộ phận được giao nhiệm vụ chống giả, bảo mật chuỗi cung ứng hoặc bảo vệ thương hiệu; Bộ phận chịu trách nhiệm xã hội chuyên về các vấn đề đạo đức và môi trường; Bộ phận quản lý vòng đời sản phẩm; Bộ phận chịu trách nhiệm vận tải và logistic; Bộ phận quản lý và phát triển hệ thống.

Để bắt kịp xu hướng phát triển và triển khai truy xuất nguồn gốc trên thế giới, ngày 19/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc về triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, hiện nay, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia đang triển khai xây dựng “Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa Quốc gia” theo chuẩn quốc tế. 

Theo ông Hà Minh Hiệp, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ, việc xây dựng Cổng thông tin do Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia làm chủ đầu tư đã hoàn thành vào năm 2022; trong 10 tháng vận hành thử nghiệm, hệ thống này đã có sự kết nối với một số địa phương và hơn 4.000 doanh nghiệp tham gia.

Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa Quốc gia

Tại cổng thông tin, người tiêu dùng có thể tra cứu các thông tin gồm: Tên sản phẩm, hàng hóa; hình ảnh sản phẩm, hàng hóa; tên đơn vị sản xuất, kinh doanh; địa chỉ đơn vị sản xuất, kinh doanh; thời gian sản xuất, kinh doanh (thời gian các sự kiện truy xuất nguồn gốc diễn ra); thương hiệu, nhãn hiệu, mã ký hiệu, số sê-ri sản phẩm (nếu có); thời hạn sử dụng của sản phẩm, hàng hóa (nếu có); các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn cơ sở được áp dụng…

Cổng thông tin sẽ kết nối các hệ thống truy xuất nguồn gốc trong nước và quốc tế; quản lý và cập nhật cơ sở dữ liệu sản phẩm, hàng hóa trong nước và quốc tế; chia sẻ dữ liệu truy xuất nguồn gốc giữa các hệ thống.

Bên cạnh việc quản lý truy xuất nguồn gốc, cổng thông tin cũng tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức trên toàn quốc về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Cổng thông tin cũng dựa trên số liệu báo cáo, thống kê và công nghệ để phân tích trợ giúp cơ quan quản lý đưa chính sách kịp thời.

Thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì, phối hợp các bộ có liên quan xây dựng và công bố 30 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về truy xuất nguồn gốc hàng hóa, sản phẩm. Đồng thời, Bộ cũng vừa ban hành Thông tư số 02/2024/TT-BKHCN gồm 5 chương, 14 điều, yêu cầu các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, dịch vụ thực hiện công bố thông tin truy xuất nguồn gốc hàng hóa.

Các bên tham gia trong chuỗi cung ứng đều phải thông qua Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia để kết nối thành phần, hình thành chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị sản phẩm, giúp người tiêu dùng dễ dàng nắm bắt các thông tin hữu ích.

TIN LIÊN QUAN