Xã hội phát triển, đời sống người dân được nâng cao thì yêu cầu về chất lượng sản phẩm hàng hóa cũng ngày càng khắt khe. Theo đó, truy xuất nguồn gốc là một giải pháp hữu hiệu giúp người dùng truy xuất, tìm hiểu về thông tin nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm hàng hóa, truy ngược từ sản phẩm đang được bày bán trên kệ hàng về nơi sản xuất ban đầu, rà soát từng công đoạn trong chế biến và phân phối.
Chị Thanh Mai (trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Khi sử dụng các sản phẩm nguồn gốc xuất xứ rõ ràng khiến tôi và gia đình yên tâm hơn về sức khỏe. Nếu mua các sản phẩm không đảm bảo chất lượng về sử dụng thì cái giá phải trả cho sức khỏe đôi khi còn đắt hơn”.
Hiện nay nhu cầu về thực phẩm sạch của người tiêu dùng rất lớn. Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng nhiều người tiêu dùng Việt Nam còn đang khá dễ dãi trong việc mua bán. Chia sẻ với báo chí, bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An cho rằng, người tiêu dùng cần phát huy quyền được biết xuất xứ thực phẩm mình sử dụng. Thế nhưng phần lớn người dùng đang có thói quen tiện là ghé mua, giá cả rẻ là được, chẳng quan tâm xuất xứ. Do đó, cần đầy mạnh tuyên truyền để người tiêu dùng thay đổi thói quen lựa chọn, tiêu thụ thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, từ đó buộc người sản xuất cũng phải phải thay đổi theo.
Về phía doanh nghiệp, đại diện Công ty Cổ phần Y dược - Thực phẩm Nam Hà Nội cũng chia sẻ, hiện nay nhu cầu về thực phẩm sạch của người tiêu dùng rất lớn nhưng các doanh nghiệp sản xuất bài bản, chuyên nghiệp lại đang gặp rất nhiều khó khăn.
“Xã hội, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như người tiêu dùng luôn mong muốn sản phẩm được truy xuất nguồn gốc, đảm bảo vệ sinh an toàn. Tuy nhiên do nhiều yếu tố tác động, các nhà sản xuất thực phẩm đầu tư một cách bài bản, đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe rất khó cạnh tranh với các hộ gia đình nhỏ lẻ hiện đang sản xuất theo hướng ‘phi tiêu chuẩn’”, ông Võ Việt Dũng nói.
Chia sẻ thêm về vấn đề các mô hình sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ hiện nay, đại diện doanh nghiệp cho biết, nhiều sản phẩm có giá rẻ là do không đáp ứng được các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Qua đó làm lẫn lộn thực phẩm truy xuất nguồn gốc, thực phẩm sạch với thực phẩm được sản xuất phi tiêu chuẩn, không tuân theo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm do yếu tố giá rẻ luôn hấp dẫn người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng phòng Quản lý chất lượng 2, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cũng cho rằng, yếu tố quan trọng nhất để tạo ra chuỗi thực phẩm an toàn là mối liên kết sản xuất với nhau thông qua các cam kết, hợp đồng về trách nhiệm để cùng nhau tạo ra các sản phẩm an toàn từ trang trại tới bàn ăn.
Hiện nay, rất nhiều sản phẩm sản xuất trong nước lại có giá thành cao hơn so với các sản phẩm cùng loại nhập khẩu do thiếu liên kết chuỗi. Với việc áp dụng liên kết sản xuất, sẽ tạo được tiếng nói chung cho các công đoạn, từ đó đảm bảo việc giám sát an toàn thực phẩm thông qua trách nhiệm hợp đồng, phát triển nền sản xuất hàng hóa tập trung, từng bước giảm thiểu nền sản xuất manh mún, nhỏ lẻ.
Quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi sẽ tạo ra lợi ích cho tất cả các bên từ người tiêu dùng, người sản xuất kinh doanh tới cơ quan quản lý nhà nước. Trong đó, người tiêu dùng sẽ tiếp cận được các sản phẩm an toàn, phân biết được sản phẩm đã được kiểm soát an toàn; người sản xuất kinh doanh sẽ tăng sản lượng và giá trị sản xuất kinh doanh nhờ niềm tin và sự trung thành của người tiêu dùng với sản phẩm an toàn thực phẩm; cơ quan Nhà nước sẽ kiểm soát được an toàn thực phẩm trong toàn bộ quá trình sản xuất; truy xuất được nguồn gốc và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.