Người nước ngoài mua nhà vẫn rất khó khăn

(NTD) - Chủ đề sở hữu nhà ở cho người nước ngoài và Việt kiều tại Việt Nam trở thành tâm điểm tại Hội thảo góp ý dự thảo các Nghị định chi tiết Luật Nhà ở 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản 2014 do Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) tổ chức vừa qua.

Là một người nước ngoài, cũng là một lãnh đạo của doanh nghiệp nước ngoài đang làm việc ở Việt Nam, ông Akio Yoshida, Trưởng đại diện Tập đoàn Akitakei (Nhật Bản) tại Việt Nam, đưa ra ý kiến: “Theo tôi được biết trong luật mới này có quy định người nước ngoài mua nhà trong 1 tòa nhà chỉ được 30%. Nếu được, tôi mong muốn sẽ tăng tỷ lệ này lên. Thêm vào đó, tôi chưa biết phải làm những thủ tục gì để có thể mua nhà tại Việt Nam. Tôi mong muốn Chính phủ sớm có Nghị định hướng dẫn cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam một cách cụ thể, đơn giản và tiết kiệm được thời gian để chúng tôi có thể sớm định cư tại Việt Nam”.

Ông Akio Yoshida, Trưởng đại diện Tập đoàn Akitakei (Nhật Bản) tại Việt Nam.

Ông Trần Hoàng Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài - TP.HCM, đánh giá với độ thoáng, độ mở như Luật Nhà ở 2014, hy vọng rằng kiều bào sẽ trở về ngày càng nhiều hơn và ngày càng có nhiều kiều bào được sở hữu nhà ở Việt Nam.

Không chỉ ông Phương, giới chuyên gia, những người trong cuộc đều đánh giá Luật Nhà ở 2014 giúp người nước ngoài, Việt kiều có cơ hội sở hữu nhà tại Việt Nam. Tuy nhiên, ông Trương Anh Tú, Giám đốc Kinh doanh tiếp thị CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal), cho rằng việc kinh doanh nhà ở dành cho người nước ngoài đang còn vướng mắc ở những điều kiện mua và được sở hữu. Tại Điều 6 Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản có quy định các loại hợp đồng trong kinh doanh bất động sản phải thực hiện theo điều khoản hợp đồng mẫu bằng tiếng Việt. Theo ông, điều đó rất tốt nhưng trong quá trình giao dịch với người nước ngoài thì liệu nên có bản hợp đồng mẫu bằng tiếng Anh hay không? Và Visa được cấp thời hạn bao lâu thì được mua nhà tại Việt Nam hay chỉ cần một ngày cũng mua được?

Trước hàng loạt vấn đề liên quan đến dự thảo Nghị định việc cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà tại Việt Nam, ông Thân Thế Anh, Trưởng phòng Quản lý nhà ở cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết theo quy định tại Điều 121 của Luật Nhà ở khi dẫn hợp đồng, có nói rằng do các bên thỏa thuận. Do đó, hợp đồng có thể sẽ có bản tiếng Anh.

Đại diện bộ phận soạn thảo trả lời câu hỏi tại hội thảo.

Ông Thế Anh cũng cho biết theo Luật Nhà ở, chỉ cần nhập cảnh tại Việt Nam thì được mua nhà, dù “một ngày cũng được mua nhà tại Việt Nam”. Về trường hợp người nước ngoài có thời hạn sở hữu nhà theo quy định là 50 năm, nếu chủ người nước ngoài phải về nước và muốn bán lại căn nhà đã mua thì người mua sau có được sở hữu 50 năm hay chỉ sở hữu khoảng thời gian còn lại của hợp đồng. Ông Thế Anh trả lời, trước khi hết hạn, chủ sở hữu nếu có nhu cầu, thì có thể nộp đơn để xin được gia hạn hoặc chuyển nhượng cho người khác. Nhưng người nhận chuyển nhượng cũng phải thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Nếu chuyển nhượng cho người Việt Nam hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì người nhận chuyển nhượng sẽ được sở hữu, ổn định lâu dài. Nếu chuyển nhượng cho người nước ngoài thì người nước ngoài sẽ được sở hữu trong thời gian còn lại. Nhưng sẽ được gia hạn tối đa một lần kể từ ngày hết hạn trong giấy chứng nhận sở hữu lần đầu và không phải đóng thêm tiền.

Ngoài ra, theo HoREA, tại Khoản 2.b, Điều 159 Luật Nhà ở quy định: Về việc tổ chức, cá nhân nước ngoài không được mua và sở hữu nhà ở tại các "khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ" và tại Điều 67, dự thảo Nghị định, có thể làm gia tăng thủ tục hành chính không cần thiết.

Về chuyển khoản tiền mua nhà ở và vay tín dụng để mua nhà ở, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng cần phải thống nhất hướng dẫn tổ chức, cá nhân nước ngoài về việc chuyển khoản tiền mua nhà ở từ ngân hàng nước ngoài vào Việt Nam; hoặc thủ tục vay của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam để mua nhà ở.

Vũ Sơn - Hải Yến

Ảnh: Nguyên Vũ

Nên đọc