Dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) do Tập đoàn Trung Thủy làm chủ đầu tư. Đây là dự án mà hồi đầu năm 2018, dư luận Đà Nẵng rất phản ứng và thành phố phải yêu cầu điều chỉnh quy hoạch. Thành ủy Đà Nẵng đã thông qua quy hoạch điều chỉnh dự án này.
PV Báo Người Tiêu Dùng đã đến khu vực Nam Ô để tìm hiểu nguyện vọng của người dân về vấn đề liên quan đến dự án. Ông Trương Văn Đô, Bí thư chi bộ Nam Ô 2 chia sẻ, vào đầu năm 2018, khi chủ dự án rào chắn hết lối xuống biển, ông cũng như người dân liền phản đối. Người dân lo ngại, khi dự án được xây dựng thì các di tích tâm linh, ghềnh Nam Ô sẽ bị “san phẳng”.
Ông Trương Văn Đô, Bí thư chi bộ Nam Ô 2 |
Tuy nhiên, sau khi chủ đầu tư đối thoại với người dân, khẳng định sẽ giữ nguyên hiện trạng, thậm chí tôn tạo để các khu tâm linh cũng như ghềnh Nam Ô được đẹp hơn; người dân có quyền ra vào; tạo cơ hội cho ngành nghề truyền thống là nước mắm Nam Ô được phát triển; tạo công ăn việc làm cho người dân thì ông và phần đông lại thay đổi ý kiến.
Ngoài ra, theo ông Đô, trước đây, khu vực ghềnh Nam Ô rác thải khá nhiều. Thời gian qua, khu vực ghềnh được giữ sạch sẽ là nhờ chủ đầu tư thuê người dân địa phương thu nhặt rác hàng ngày. Do đó, ông Đô đề nghị, trong trường hợp ghềnh Nam Ô được tách ra khỏi dự án thì cũng nên để cho đơn vị này được quản lý để có thể tôn tạo, giữ an ninh trật tự, vệ sinh. "Ghềnh này chắc chắn sẽ được phục vụ cộng đồng. Trong trường hợp giao quyền quản lý cho phường hay quận thì mỗi năm phải mất rất nhiều tiền để quản lý, dọn vệ sinh. Nếu giao cho chủ đầu tư thì ghềnh được sạch đẹp, người dân được thụ hưởng lợi và ngân sách địa phương lại không mất kinh phí", ông Đô chia sẻ.
Dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) do Tập đoàn Trung Thủy làm chủ đầu tư |
Ông Lê Văn Xuất (75 tuổi), Chi hội trưởng người cao tuổi Nam Ô 2, cũng đồng quan điểm với ông Đô. Ngoài ra, ông Xuất chia sẻ thêm: “Tôi sinh ra, lớn lên, gắn bó suốt đời với Nam Ô. Ghềnh Nam Ô là nơi tâm linh của người dân. Từ xa xưa đến nay, người dân ở đây không bao giờ được chặt dù 1 cây ở ghềnh. Do đó, phía chủ đầu tư dù xây dựng gì thì cũng không được chặt cây. Ngoài ra, nếu muốn xây đường thì cũng nên làm hợp lý, để giữ nguyên hiện trạng của ghềnh”.
Ghềnh Nam Ô gắn bó suốt đời với người dân Nam Ô |
Trong khi đó, ông Lê Thắng (80 tuổi), giữ chức bầu bái làng Nam Ô cho biết, dự án đi vào hoạt động sẽ giúp người dân khu vực Nam Ô có công ăn việc làm. Khu vực này cũng trở thành điểm du lịch, giúp địa phương phát triển. Và, ông kiến nghị, trong trường hợp nếu dự án được thực hiện thì phía chủ đầu tư nên tôn tạo để các khu vực di tích tâm linh của người dân Nam Ô được đẹp hơn.
Thiết nghĩ, để gỡ vướng, chủ đầu tư và người dân địa phương cần có được tiếng nói chung để dự án sớm được thực hiện nếu thật sự dự án nhằm phục vụ lợi ích cộng đồng.
Tin,ảnh: Thế Sơn