Theo đó, thông tin trên được một tờ báo đăng tải và ngay sau đó công đồng mạng chia sẻ rất rầm rộ, kèm theo đó là những nghi vấn về chất lượng cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe con người khi sử dụng.
“Mình ăn nhãn hay dùng răng để cắn bỏ chứ chẳng mấy khi dùng tay bóc vỏ, nếu nhãn được xông lưu huỳnh như thế thì mình chết chắc rồi, từ nay có khi chẳng dám ăn nhãn nữa”, một facebooker chia sẻ.
Không chỉ người dùng, mà ngay cả những người buôn, bán nhãn cũng vô cũng bất an trước thông tin trên. “Tôi chỉ biết nhập nhãn về, sau đó đi bán rong ở đường như thế này, chứ có biết nhãn được xông hay tẩm ướp gì đâu. Nhưng tôi nghĩ thông tin trên là không đúng, vì bản chất nhãn khi chín thì màu rất vàng và quả đều nhau, chẳng ai dại gì mà làm như thế”, anh Thanh, người bán nhãn ở đường Nguyễn Xiển (Hà Nội) cho biết.
Nông dân xã Dân Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên thu hoạch nhãn Miền Thiết với mẫu mã tự nhiên rất đẹp (Ảnh: Người lao động) |
Dù chưa biết thực hư thông tin trên là đúng hay sai, nhưng tại vựa nhãn lớn nhất huyện Khoái Châu – tỉnh Hưng Yên, dù nhãn được trồng theo tiêu chuẩn VietGap nhưng những ngày qua khi nhãn vào chính vụ thì giá đã giảm rất sâu, với mức 15-16.000 đồng/1kg.
Trao đổi qua điện thoại với phóng viên, anh Nguyễn Văn Mát, trưởng thôn An Cảnh, xã An Tử, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên cho biết, bản thân anh đã được nghe thông tin về nhãn lồng Hưng Yên vàng óng nhờ xông lưu huỳnh. Tuy nhiên, anh Mát cho rằng, đây chỉ là tin đồn thất thiệt vì không ai làm cách đó để bảo quản nhãn cả.
“Năm nay nhãn được mùa, nhưng chỉ vì những tin đồn như thế mà những người dân như chúng tôi lao đao, mất mối và bị ép giá. Chúng tôi sẵn sàng cho tất cả mọi người “chiêm ngưỡng” tại vườn những chùm nhãn vàng óng khi vẫn còn ở trên cây. Ở cây nhãn đã vàng đẹp như vậy rồi thì chúng tôi dùng lưu huỳnh làm gì”, anh Mát chia sẻ.
Theo anh Mát, tất cả các thương lái khi về mua nhãn tại xã An Tử đều được lực lượng chức năng giám sát trực tiếp các công đoạn từ lấy quả cho đến đóng thùng chuyển đi, vì thế không thể có chuyện dùng lưu huỳnh để xông được.
“Chúng tôi cắt cử lực lượng công an viên giám sát rất chặt chẽ và chính quyền địa phương cũng đã quán triệt, nếu hộ nào hay thương lái nào dùng hóa chất bảo quản nhãn sẽ tiêu hủy ngay lập tức, việc làm này để đảm bảo uy tín của nhãn lồng Hưng Yên”, anh Mát chia sẻ.
Về phía cơ quan chức năng, bà Đoàn Thị Chải – PGĐ Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên cho rằng, đó chỉ là tin đồn thất thiệt và cơ quan quản lý vấn đề này là Sở khoa học Công nghệ, Quản lý thị trường.
“Chúng tôi chỉ quản lý việc trồng trọt, chăn nuôi, có nghĩa là khi quả nhãn còn ở trên cây, còn vấn đề này là khi đã ra thị trường rồi thì quản lý thị trường, các nhà khoa học mới nắm được chi tiết, chứ không phải nông nghiệp”, bà Chải cho hay.
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Chuyên gia về Công nghệ sinh học và Thực phẩm) cho rằng, việc dùng lưu huỳnh để sấy hoa quả nói chung, hay quả nhãn nói riêng được nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam áp dụng từ lâu. Tuy nhiên, khi sử dụng phải theo tiêu chuẩn, liều lượng nhất định.
PGS Thịnh cho rằng, đây là phương pháp sinh thiết hóa khô và chất lưu huỳnh được phép dùng trong công nghệ thực phẩm. Thông thường khi đốt lưu huỳnh thì sẽ sản sinh là chất khí SO2, chất khí này chỉ bám vào bề mặt vỏ để diệt khuẩn mà không thể xâm nhập được bên trong, nên sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe khi sử dụng.
Tuy nhiên, PGS Thịnh cũng cảnh báo, nếu ngửi, hút trực tiếp khí SO2 khi đang đốt sẽ rất nguy hiểm bởi nó tác động mạnh lên màng phổi, màng mắt, hủy hoại màng phổi, làm viêm màng mắt.
Theo Lê Phương (Khám phá)