Tại hội thảo khoa học Bệnh viêm gan thường niên lần thứ 5 do Hội Gan mật Việt Nam, Hội Gan mật TP HCM cùng Roche Diagnostics Việt Nam tổ chức, các chuyên gia đều có nhận định Việt Nam đang phải đối mặt với đại dịch viêm gan. Trong đó viêm gan siêu vi B có số người mắc cao nhất, nhưng việc chẩn đoán và điều trị lại thường rơi vào giai đoạn muộn.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 2 tỷ người nhiễm vi rút viêm gan B (HBV) và 200 triệu người nhiễm vi rút viêm gan C. Trung bình mỗi ngày 3.000 người chết vì nhiễm các vi rút viêm gan. Riêng ở Việt Nam, theo bác sĩ Nguyễn Hữu Chí, Chủ tịch Hội Gan mật TP HCM, Phó trưởng Bộ môn Nhiễm, Đại học Y TP HCM, hiện ước tính 15-20% dân số nhiễm HBV và trong đó có khoảng 5 triệu người bị viêm gan mãn tính, xơ gan hoặc ung thư gan.
Viêm gan B được ví là kẻ thù giết người thầm lặng vì hậu quả của nó để lại rất lớn, điển hình là: xơ gan hoặc ung thư gan. Bên cạnh đó, người bệnh thông thường ít có triệu chứng lâm sàng, nhưng tế bào gan của họ đang bị tổn thương do vi rút gây ra. Vì vậy, đa phần người bệnh không nhận ra bất kỳ triệu chứng đặc biệt nào cho đến khi gan bị tổn thương nghiêm trọng. Do đó, bệnh nhân thường được chẩn đoán và chữa trị vào giai đoạn muộn, khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn.
Trước đây để đánh giá hiệu quả của việc điều trị HBV, các bác sĩ chủ yếu căn cứ vào nồng độ HBV-DNA, là giá trị định lượng phản ánh sự sao chép của vi rút, cho biết số lượng bản sao vi rút hoàn chỉnh trong máu người bệnh. Tuy nhiên, không ít các trường hợp bệnh nhân viêm gan B mạn mặc dù có nồng độ HBV-DNA thấp, thậm chí ở dưới ngưỡng phát hiện nhưng vẫn tiến triển thành xơ gan và ung thư gan.
Theo một số nghiên cứu gần đây, người bệnh nên làm thêm xét nghiệm định lượng kháng nguyên bề mặt HBsAg bên cạnh xét nghiệm định lượng DNA của vi rút viêm gan B để theo dõi hiệu quả trị liệu viêm gan B bằng pegylated interferon alpha. HBsAg chính là kháng nguyên bề mặt của virút viêm gan B. Một người thử máu thấy HBsAg dương tính tức là người đó đang bị nhiễm HBV.
Sau khi nhiễm HBV, HBsAg là dấu ấn miễn dịch đầu tiên hiện diện trong huyết thanh và thường tồn tại từ vài tuần đến vài tháng trước khi khởi phát các triệu chứng lâm sàng và xuất hiện các dấu ấn sinh hóa khác. Do đó, việc thực hiện xét nghiệm nhằm giúp phát hiện được HBsAg trong giai đoạn sớm của bệnh cũng như có khả năng nhận diện các thể đột biến của HBsAg mang ý nghĩa tích cực đối với người bệnh.
Mục tiêu lý tưởng của việc điều trị HBV là làm mất HBsAg một cách bền vững, kèm hoặc không kèm theo chuyển đổi huyết thanh tạo kháng thể kháng HBs. Điều này gắn liền với sự kiểm soát miễn dịch hoàn toàn với virút, làm giảm hoạt tính của vi rút viêm gan siêu vi B và cải thiện kết quả trong thời gian dài. Xét nghiệm định lượng kháng nguyên bề mặt HBsAg có thể giúp dự báo đáp ứng ổn định và kéo dài của trị liệu, sự kiểm soát miễn dịch và sự mất HBsAg.
Nồng độ HBsAg là một dấu ấn mới, độc lập với nồng độ HBV-DNA và đặc hiệu trong theo dõi điều trị viêm gan B. Các hướng dẫn điều trị gần đây khuyến khích sử dụng HBsAg định lượng như là một dấu ấn vi rút mới trong điều trị. Với xét nghiệm định lượng HBsAg kết hợp với HBV DNA, ngoài việc theo dõi đáp ứng điều trị, có thể được sử dụng để phân biệt những người mang vi rút không hoạt động với những người có bệnh đang tiến triển, qua đó xác định rõ hơn những ai cần điều trị và theo dõi thường xuyên với những ai chưa cần điều trị.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Chí cho biết thêm: “Hiện nay, với việc kết hợp hai xét nghiệm HbsAg định lượng và HBV DNA giúp bác sĩ xác định liệu bệnh nhân có đáp ứng tốt với phương pháp điều trị hiện tại hay không, từ đó có sự điều chỉnh thích hợp”. Đây được xem là công cụ hỗ trợ hữu ích trong việc điều trị cho bệnh nhân. Với giải pháp này, bao gồm cả chẩn đoán và theo dõi điều trị, giúp cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống bệnh nhân, cũng như giảm thiểu các chi phí y tế không cần thiết cho cả bệnh nhân và xã hội.
Phương Thảo
Nguồn: vnexpress.net