Bán ròng kỷ lục
Hai tháng gần đây, TTCK Việt Nam liên tiếp đón nhận những tin vui. Đầu tiên phải kể đến Nghị định 60 với một trong những nội dung quan trọng là Chính phủ cho phép nới room cho nhà đầu tư ngoại tham gia TTCK trong nước. Thông tin TPP chính thức đàm phán xong hay SCIC sẽ thoái hết vốn tại 10 DNNN bao gồm cả “con bò sữa” Vinamilk đã kích thích sự “hưng phấn” của thị trường.
Tuy nhiên, ngược với xu hướng tích cực này, trong tháng 9 vừa qua, khối ngoại đã quyết định bán ròng khá mạnh. Thông tin từ CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho hay, chỉ trong tháng 9, khối ngoại đã bán ròng hơn 1.000 tỷ đồng và là tháng bán ròng mạnh nhất trong năm nay. Trên sàn HOSE, khối ngoại bán ra lượng cổ phiếu tương đương 912 tỷ đồng, trên sàn HNX là 88 tỷ đồng, trong đó VCG và PVS bị bán ròng mạnh nhất, lần lượt ở mức 90 tỷ đồng và 41 tỷ đồng.
Sang nửa đầu tháng 10, hầu như các phiên giao dịch đều chứng kiến sự “tháo chạy” của khối ngoại. Trong ngày 19/10, khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng trên sàn HOSE với giá trị gần 14 tỷ đồng, trên HSX có phiên bán ròng nhẹ hơn trị giá 11,19 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán trong nước đã chứng kiến xu hướng các nhà đầu tư ngoại bán ròng khá mạnh thời gian qua. |
“Nóng” chưa hẳn đã hấp dẫn
Không ít nhà đầu tư nước ngoài hiện đều có chung nhận định là các thông tin nóng vừa qua thực sự là những tín hiệu tốt cho thị trường, tuy nhiên vẫn chưa có gì cụ thể, rõ ràng nên việc các nhà đầu tư ngoại không hứng thú cũng là điều dễ hiểu.
Theo đó, để Nghị định 60 thực sự có hiệu lực, cần phải có thông tư hướng dẫn từ Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hiện tại chỉ có Bộ Tài chính đã hoàn thành Thông tư 123 hướng dẫn trình tự thủ tục doanh nghiệp thực hiện tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên TTCK, còn danh mục cụ thể về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các doanh nghiệp thì lại chưa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Công ty Quản lý quỹ VinaCapital cho biết: “Nhà đầu tư ngoại muốn có tỷ lệ sở hữu cao hơn tại các DNNN, cùng với đó là tham gia vào quá trình quản trị điều hành doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện một số doanh nghiệp Việt vẫn chưa đủ “dũng cảm” để có thể cho nhà đầu tư ngoại tiếp quản và cùng tham gia vào việc điều hành”.
Một vấn đề khác, danh mục về tỷ lệ sở hữu nước ngoài cụ thể chưa phải là rào cản duy nhất, bởi khi danh mục này được ban hành thì các nhà đầu tư ngoại cũng sẽ gặp khó khăn trong việc phân tích các bản báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
Lo ngại này cũng được thể hiện trong kết quả khảo sát của Grant Thornton trong quý 2 vừa qua, khi có tới 20% ý kiến của các nhà đầu tư đánh giá quản trị công ty là mối quan ngại lớn nhất khi đầu tư vào Việt Nam. Tiếp đến là tính minh bạch, với 19% ý kiến phản hồi.
Tiếp đến, việc TPP đã đàm phán xong cũng không thể khiến các nhà đầu tư lạc quan hơn, bởi họ nhìn nhận bên cạnh những mặt tích cực thì Việt Nam cũng chịu sức ép khá gay gắt khi tham gia vào sân chơi này. Khi TPP có hiệu lực thì bản thân các doanh nghiệp cũng phải tự thay đổi để có thể hòa nhập với sân chơi quốc tế, chính điều này đã khiến các nhà đầu tư ngoại dè dặt.
Chia sẻ về chuyện thoái vốn, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng, dù xảy ra kịch bản nào thì chuyện thoái vốn của SCIC khỏi 10 DNNN cũng không thể thực hiện một sớm một chiều, vì đòi hỏi phải có lộ trình và hướng đi rõ ràng. Điều này cũng thực sự là một vấn đề trăn trở cho các nhà đầu tư ngoại.
Cơ hội cho khối nội
Theo báo cáo của VDSC, việc khối ngoại bán ròng mạnh trong thời gian qua cũng không phải là vấn đề đáng lo ngại bởi giai đoạn này thị trường diễn biến đi ngang nên lực cầu từ khối nội vẫn có thể hấp thụ lượng cung từ khối ngoại khá tốt.
Xét về tỷ lệ vốn ngoại thuần trên TTCK Việt Nam từ 2012 đến nay, kết quả cho thấy giá trị này khá ổn định trong khoảng 11% (năm 2014) và 15% (2012-2013). Tính từ đầu năm 2015 đến nay, trung bình vốn ngoại thuần đạt mức 13,47% tổng giá trị giao dịch thị trường. Như vậy, tỷ lệ vốn ngoại tham gia vào TTCK Việt Nam vẫn khá nhỏ so với khối nội
Ông Lê Hữu Triển thuộc VDSC cho rằng, tâm lý nhà đầu tư Việt Nam vẫn có vai trò quan trọng hơn trong việc ổn định điểm số thị trường. Tuy thanh khoản ở mức thấp nhưng lực cầu khối nội đã giúp thị trường không bị giảm mạnh trước lực bán dồn dập của khối ngoại. Do đó, tâm lý khối nội hạn chế bán với giá thấp trước lực bán dồn dập của khối ngoại trong tháng 9 là yếu tố khá tích cực đối với thị trường trong thời điểm không có nhiều thông tin hỗ trợ như hiện nay.
Động thái bán ròng của các nhà đầu tư ngoại cũng là yếu tố có thể khiến nhóm cổ phiếu blue-chips tiếp tục đi xuống. Đây sẽ là cơ hội để nhà đầu tư dài hạn gia tăng tích lũy đối với những cổ phiếu blue-chips đã giảm sâu với mức định giá có chiết khấu cao so với trước đây.
Theo VDSC, trong thời gian ngắn tới, nhà đầu tư trong nước vẫn có thể tận dụng đà tăng của nhóm cổ phiếu mid-caps để tìm kiếm lợi nhuận. Càng về cuối tháng, việc dòng vốn ngoại rút đi lại là cơ hội lớn để nhà đầu tư nội có thể tích lũy các cổ phiếu blue-chips có kết quả kinh doanh ổn định và triển vọng tăng trưởng trong dài hạn.
Sau cùng, VDSC cũng nhận định việc giao dịch mua bán của khối ngoại trong thời gian tới sẽ ổn định hơn với lực bán có khả năng sẽ giảm, thậm chí có thể chuyển sang mua ròng nhẹ trong những tuần tới.
Mai Trinh