Ngày 10/3 vừa qua, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã tiếp nhận 7 trường hợp ngộ độc rượu methanol. Nạn nhân trong vụ ngộ độc này là các sinh viên độ tuổi từ 21-27 tuổi đang theo học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương (cơ sở tại Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội). Các bệnh nhân này nhập viện trong tình trạng khá nặng, buộc phải lọc máu để thải trừ methanol, toan chuyển hóa nặng và 3 trong số đó phải cấp cứu trong tình trạng hôn mê, hô hấp bằng máy.
Trước đó, tại địa bàn tỉnh Lai Châu có khoảng 150 người phải nhập viện cấp cứu do ngộ độc rượu methanol. Trong đó có đến khoảng 70 người bị ngộ độc tập thể sau khi dự một đám tang tại huyện Phong Thổ, Lai Châu khiến cho 9 người tử vong.
Methanol thực tế là cồn công nghiệp, chủ yếu được sử dụng làm dung môi… đây được xem là chất cực độc với cơ thể và không được sử dụng chung với rượu. Các tiểu thương sử dụng cồn để pha vào các loại rượu có nồng độ nhẹ để tăng nồng độ. Cồn rất dễ hấp thụ qua đường tiêu hóa, chuyển hóa thành các loại axit có hại gây nhiễm toan chuyển hóa, gây độc với tạng, thần kinh, thị giác…
Người uống phải rượu này thường có những biểu hiện ban đầu giống như người say rượu thật nên rất khó phân biệt. Các triệu chứng chỉ có thể xảy ra sau khi uống từ 30 phút đến 1 giờ đồng hồ như: Nôn, chóng mặt, đau bụng… rồi chuyển sang dạng ngộ độc.
Bác sĩ Nguyễn Văn Nhân, Khoa cấp cứu tại Bệnh viện Q.Thủ Đức, cho biết: “Người uống phải rượu cồn (methanol) có những triệu chứng ban đầu thường kín đáo và nhẹ như ức chế dây thần kinh trung ương. Ban đầu có thể tỉnh táo nhưng vẫn đau đầu rồi sau đó dẫn đến các biểu hiện như: Hưng phấn, nói nhảm, quậy phá… Ở mức nặng có thể dẫn đến hôn mê, co giật… Các biến chứng để lại khi bị ngộ độc có thể dẫn đến hôn mê, tổn thương não, mù mắt, hạ thân nhiệt, hạ đường máu, viêm dạ dày, tiêu cơ vân, suy thận và thậm chí là tử vong”.
Ghi nhận của phóng viên, loại rượu cồn methanol xuất hiện khá nhiều trên thị trường. Chúng được “sản xuất” nhiều tại các cửa hàng tạp hóa, các cơ sở bán rượu tự phát của các gia đình sau đó được đóng trong các can lớn, chai nhựa, thủy tinh không nhãn mác rồi mang đi tiêu thụ tại các quán ăn, nhà hàng…
Trước thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ Công thương cần khẩn trương triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm rượu trên toàn quốc.
Đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh không được trưng bày các loại rượu không nhãn mắc, nguồn gốc xuất xứ… Kiểm soát chặt chẽ các cơ sở kinh doanh rượu. Bổ sung các chế tài, mức phạt đối với các trường hợp vi phạm.
Đức Hùng