Nghịch lý sổ hồng chung cư: Nơi cư dân chờ dài cổ, chỗ gọi mãi không làm

(NTD) - Trong khi một số chung cư, cư dân phải “dài cổ” chờ giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng), thì ở một số dự án, chủ đầu tư lại phải đi “hò hét”, “năn nỉ” cư dân cung cấp hồ sơ để tiến hành thủ tục cấp sổ hồng, nhưng nhận lại sự phớt lờ.

Tại một dự án cao cấp ở Q.2, TP.HCM, cư dân đầu tiên được thông báo đến nhận sổ hồng vào giữa tháng 9/2017. Thời điểm này chỉ sau 1 năm kể từ ngày chủ đầu tư bắt đầu bàn giao căn hộ vào tháng 10/2016. Phải nói, đây là sự cố gắng của chủ đầu tư, cho thấy những cam kết của chủ đầu tư với khách hàng được thực hiện nghiêm túc.

“Bó tay” với cư dân

Thế nhưng, gần 2 năm, tính từ thời điểm những cư dân đầu tiên tại dự án nhận sổ hồng thì chủ đầu tư cho biết, họ mới chỉ làm sổ hồng được khoảng 50% căn hộ, 50% còn lại tiến độ “ì ạch”. Lý do nhiều lần thông báo nhưng cư dân không hợp tác.

Thị trường bất động sản đang chứng kiến nhiều nghịch lý về vấn đề cấp sổ hồng cho căn hộ chung cư. Ảnh: N.Vũ

Một dự án khác tại Q.7 cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, khi chủ đầu tư liên tục gửi văn bản thông báo tới từng hộ cư dân, thúc giục làm thủ tục để cấp sổ hồng nhưng lại nhận được sự im lặng.

Trong khi những dự án nói trên chủ đầu tư phải “năn nỉ” cư dân làm sổ hồng, nhưng lại bị cư dân ngó lơ, thì ở Q.Tân Phú có khoảng 10 dự án chung cư rơi vào tình trạng chậm sổ hồng. Ngay ở Q.2, dự án Thảo Điền Pearl cũng rùm beng chuyện chủ đầu tư chậm trễ ra sổ hồng. Ngoài ra, thống kê từ Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, hiện thành phố có hàng chục dự án chậm cấp sổ hồng, dù bị “bêu tên” trên internet, cư dân căng băng rôn, thậm chí kiện ra tòa, nhưng cư dân chờ “dài cổ” vẫn không thấy sổ đâu.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng việc chủ đầu tư chấp hành đúng nghĩa vụ làm sổ hồng cho khách hàng nhưng không nhận được sự hợp tác có nhiều lý do. Trong đó, theo quy định pháp luật hiện hành hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai không được phép thực hiện chuyển nhượng trong giai đoạn làm thủ tục cấp sổ hồng. Dân đầu tư, khi làm sổ hồng sẽ lấp lửng giữa thời gian chờ đợi sổ, họ sợ vuột mất cơ hội chuyển nhượng căn hộ với giá tốt khi bất ngờ có khách.

Hoặc tại một số dự án, khách mua là dân đầu tư hoặc khách hàng là người nước ngoài, nhờ người Việt đứng tên… những đối tượng này không mặn mà với việc cấp sổ hồng. Một dạng đối tượng nữa là những cư dân đã nhận bàn giao căn hộ và đang sử dụng, do khoản 5% giá trị còn lại cần phải đóng để ra sổ hồng tương đối lớn nên không muốn bỏ ra để thanh toán cho chủ đầu tư.

Mất quyền lợi

Để ra được sổ hồng cho cư dân đòi hỏi các chủ đầu tư phải đáp ứng các thủ tục về pháp lý của dự án. Theo đó, tiền sử dụng đất phải được hoàn thành với Nhà nước, không thế chấp tài sản ở ngân hàng, dự án đã được hoàn công… Với cư dân, sổ hồng cũng là để bảo đảm quyền lợi của mình tại căn hộ chung cư.

Luật sư Nguyễn Đăng Tư, Đoàn Luật sư TP.HCM, phân tích: Sổ hồng có vai trò quan trọng trong mua bán bất động sản. Vì chỉ khi có được sổ hồng thì người sử dụng đất hợp pháp mới có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất. Sổ hồng sẽ giúp cư dân hoàn toàn chủ động khi cần mua bán bất động sản.

Việc căn hộ không có sổ hồng, khi mua bán chuyển nhượng người mua căn hộ vẫn có thể thông qua hình thức chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định tại khoản 1 Điều 59 Luật Kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng phải được lập thành văn bản có xác nhận của chủ đầu tư. Đối với những chủ đầu tư thiếu hợp tác, việc có xác nhận của chủ đầu tư cũng gặp một số khó khăn nhất định.

Đó là chưa kể việc chủ đầu tư hoàn toàn có thể áp dụng các điều khoản quy định tại hợp đồng mua bán để thu hồi 5% còn lại, dù cư dân không chịu hợp tác làm sổ hồng. Lúc này cư dân vừa không có sổ hồng nhưng vẫn phải chấp hành nghĩa vụ theo hợp đồng mua bán với chủ đầu tư.

Khi không hợp tác với chủ đầu tư làm sổ, lúc cần, cư dân phải tự mình làm sổ. Thực tế, nếu muốn tự làm sổ hồng thì vẫn có thể yêu cầu chủ đầu tư cung cấp hồ sơ và các giấy tờ liên quan đến nhà ở để thực hiện thủ tục này sau khi đã hoàn tất các nghĩa vụ còn tồn đọng với chủ đầu tư theo hợp đồng mua bán. Quy định tại Điều 72 Nghị định 43/2014/NĐ-CP thì sau khi chuẩn bị những giấy tờ luật định, cư dân nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai ở địa phương. Tuy vậy, việc tự mình làm thủ tục rất mất thời gian, thậm chí có thể bị từ chối làm sổ hồng.

 Nguyên Vũ

Nên đọc