Tại Nghị quyết này, Chính phủ khẳng định quyết tâm hành động nhằm thể chế hóa quan điểm về xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động và liêm chính, trong đó trọng tâm là gỡ bỏ các rào cản, hoàn thiện thể chế để giải phóng các nguồn lực phát triển đất nước, kiên quyết loại trừ các quy định pháp luật không rõ ràng, không minh bạch, có biểu hiện lợi ích nhóm, cản trở phát triển, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân; bảo đảm thực hiện bằng những hành động quyết liệt trong tổ chức thực thi pháp luật của cả hệ thống hành chính từ trung ương đến địa phương; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức trong phục vụ nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Ảnh minh họa. |
Chính phủ cam kết luôn đồng hành, lắng nghe và tiếp thu ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân để hoàn thiện thể chế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Chính phủ giao các Bộ, ngành thường xuyên theo dõi, đánh giá, đề xuất sửa đổi các quy định bất hợp lý về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc ngành, lĩnh vực được phân công quản lý. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổng hợp, tiếp thu ý kiến của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ kịp thời các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh không minh bạch, không hợp lý. Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, bảo đảm Thông tư của các Bộ không quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính. Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình soạn thảo, trình các dự án luật, pháp lệnh, các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh; chủ động phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc.
Kể từ ngày 1/7/2016, theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực. Vì vậy, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan trình dự án Luật phải chủ động, khẩn trương xây dựng, trình ban hành kịp thời tất cả các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, không để khoảng trống pháp lý trong quản lý điều hành và trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của người dân và doanh nghiệp.
PV