Nghi ngờ phân dê chứa vi khuẩn E.coli gây tiêu chảy

(NTD) - Vi khuẩn E.coli chủng O157: H7 đã gây bệnh tiêu chảy cấp cho 2 bé gái sống ở bang Oregon, Mỹ. Một trong hai bênh nhân đã tử vong hồi tháng 9/2014.

Con người có thể nhiễm vi khuẩn E.coli từ thực phẩm như rau củ, thịt... Ảnh minh họa

Hồi đầu tháng 9, Serena Faith Profitt, một bé gái sống ở tiểu bang Oregon, Mỹ, và một đứa trẻ khác phải nhập viện vì nhiễm vi khuẩn E.coli chủng O157:H7. Các bác sĩ cho biết Serena đã tử vong tại bệnh viện Nhi Doernbecher, thị trấn Portland, Oregon hôm 9/9 năm 2014. Bạn của cô bé sau đó đã xuất viện và đang dần hồi phục.

Các quan chức y tế công cộng bang Oregon nghi ngờ rằng vi khuẩn E.coli của phân dê là nguyên nhân dẫn đến cái chết của cô bé. Họ đã tiến hành thí nghiệm trên các mẫu vật lấy từ nhà nạn nhân và nhà hàng nơi các nạn nhân dùng bữa. Kết quả xét nghiệm cho thấy vi khuẩn E.coli O157: H7 và một loại vi khuẩn gây bệnh chưa xác định khác xuất hiện trong mẫu phân dê. Gia đình nạn nhân cho biết, hai đứa trẻ đã cùng ăn dưa hấu và chơi với một con dê.

Trước đây, người ta đã từng tìm thấy vi khuẩn E.coli ở động vật nhai lại, nhất là các loại động vật trong vườn bách thú như: cừu, dê, thỏ và ngựa. Trẻ em có nguy cơ nhiễm vi khuẩn E.coli cao do thường xuyên tiếp xúc với các loại động này. Theo thống kê, năm 2013, hơn 100 người đã mắc chứng tiêu chảy do E.coli sau khi họ thăm vườn bách thú ở vùng Cleveland County Fair. Năm 2014, cơ quan y tế ghi nhận các một nhóm du khách đã từng thăm vườn thú Zerobko, tại một hội chợ ở quân Minnesota nhiễm vi khuẩn E.coli.

Vi khuẩn Escherichia coli (E. coli) sống trong ruột của người và động vật. Hầu hết các giống của E.coli vô hại hoặc gây tiêu chảy trong thời gian tương đối ngắn, nhưng một vài chủng đặc biệt nguy hiểm, như E.coli O157: H7 có thể gây tiêu chảy ra máu và đau bụng, thậm chí gây suy thận. Con người có thể nhiễm vi khuẩn E.coli từ nước bị ô nhiễm hoặc thực phẩm mất vệ sinh, đặc biệt là rau sống và thịt bò nấu chưa chín. Người lớn khỏe mạnh thường hồi phục sau nhiễm E.coli O157: H7 trong vòng một tuần, nhưng trẻ nhỏ và người lớn tuổi có thể gặp biến chứng nguy hiểm như hội chứng tan huyết suy thận cấp (HUS) - một biến chứng suy thận gây nguy hiểm đến tính mạng.

Giới chức cảnh báo người tiêu dùng nên cẩn trọng khi để trẻ nhỏ tiếp xúc với động vật và phân động vật. Trước đó, nhiều cơ quan chức năng đã tiến hành thu hồi nhiều sản phẩm nhiễm khuẩn trên toàn bang.

Bạn đọc có thể tham khảo mọi thông tin tại mục Cảnh báo.

Thu Hoài

Nên đọc