27/2 năm nay, lần đầu tiên ngành Y tế không tổ chức hội họp, lễ lạt vì dồn sức cho cuộc chiến chống virus Corona. Đã hơn 1 tháng, đội ngũ nhân viên y tế, y bác sĩ căng mình và vất vả với dịch bệnh. Thành quả ban đầu không còn người nhiễm ở VN có đóng góp rất lớn của họ.
Sáng 26/2, bệnh nhân N.V.V (50 tuổi, ở xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc), người thứ 16 nhiễm Covid-19, đã được xuất viện. Đến nay, 16/16 trường hợp nhiễm Covid-19 tại Việt Nam đều đã khỏi bệnh và ra viện.
Những dòng tin ngắn ngủi ấy là công sức không biết của bao nhiêu người, của những bác sĩ đối mặt với hiểm nghi và cơ cực, của những nhân viên y tế “ chống dịch như chống giặc” và trực bệnh như trực chiến.
Ông Tạ Kiên Hoà (73 tuổi, Việt kiều Mỹ), người vừa hồi phục chia sẻ “ "Vượt qua cửa tử, tôi nghĩ không chỉ nhờ thuốc, chế độ dinh dưỡng, mà còn ở tất cả tình yêu của hàng chục bác sĩ BV Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM - những liều thuốc tinh thần tôi mãi không quên"
Ông Hòa kể “8 ngày trong phòng áp lực âm như nhốt mình trong cái lò vậy. Bác sĩ không bật máy lạnh để tạo môi trường diệt virus, tôi chỉ có thể nằm dưới chiếc máy quạt quay òng òng ngày đêm. Nhưng vào đỉnh trưa thì vẫn nóng.
Đều đặn sáng chiều, bác sĩ mặc đồ phòng hộ vào thăm khám. Mỗi lần nhìn họ tròng bộ đồ dày cộm, kín bưng từ đầu tới chân để vào "cái lò cách ly" thăm tôi, tôi lại liên tưởng họ như mớ giấy bạc nằm trên lửa vậy. Mồ hôi họ túa ra như tắm, hơi nước che mờ cả lớp kính bảo hộ, nhưng vẫn nấn ná ngồi 3-4 tiếng đồng hồ để động viên tôi phải sống”
Không chỉ ông mà cô gái ở Vĩnh Phúc, cha con người Trung Quốc ở Chợ Rẫy, nữ công nhân ở Thanh Hóa... đều không cầm được xúc động khi thoát khỏi dịch bệnh và tự đáy lòng họ đã nói lời cám ơn với y bác sĩ, những người kéo họ lùi xa virus Corona không chỉ bằng trách nhiệm nghề nghiệp mà nhiều khi còn có cả sự cảm thông, chia sẻ.
Cho dù dịch bệnh diễn ra thế nào và diễn biến phức tạp đến đâu thì y bác sĩ và những người ở BV luôn phải gánh chịu những khó khăn, gian khổ và hiểm nguy nhất. Biết rằng đó là nhiệm vụ và việc họ phải làm, nhưng nếu chỉ với chức trách mà thiếu đi tấm lòng cùng những lo toan, tình người thì có lẽ chúng ta không may mắn đang dừng lại ở con số 16 ca nhiềm bệnh như hiện nay.
Khi cứu người bệnh, có lẽ không ai nghĩ cứu để được khen thưởng, được cảm ơn hay nhận được những dòng ngợi khen như thế này mà đó là sự hi sinh và dấn thân của họ. Bảy thầy thuốc đã qua đời trong dịch SARS tại Việt Nam 17 năm trước giờ đây cũng đang chờ những ghi nhận xứng đáng, không phải cho họ mà để những y bác sĩ đang trong mùa dịch virus corona lần này biết rằng không hi sinh nào bị lãng quên.
Ngành y đã từng dính không ít tai tiếng, nhiều thầy thuốc cũng từng không vượt qua được cám dỗ bình thường. Nhưng đó không phải là gam màu xám chủ đạo trong bức tranh tốt đẹp mà họ đã mang lại cho xã hội với sự khẳng định điều quý giá nhất của mỗi con người: sức khỏe cùng tính mạng.
Có lẽ những ân tình ấy rồi sẽ được lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ, không chỉ dịp 27/2 năm nay mà còn về sau, rất lâu nữa...
Phan Nguyễn