Công văn cho biết, trong thời gian từ ngày 30/10 - 19/12, do ảnh hưởng của thời tiết tại tỉnh Bình Định có mưa lớn, lũ trên các sông lên mức cao. Mưa lũ gây ngập lụt sâu tại tất cả 11 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh.
Mưa lũ tại Bình Định gây thiệt hại hàng tỷ đồng (Ảnh: Dân trí) |
Ngoài thiệt hại về người, điện, đường, trường thì các cơ sở y tế của tỉnh cũng không phải ngoại lệ. Báo cáo của UBND tỉnh Bình Định cho biết, ước tính các cơ sở y tế tỉnh này thiệt hại khoảng 30 tỷ đồng. Có 3 bệnh viện bị ngập nước (Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Tâm thần, Trung tâm Y tế huyện Phù Mỹ); 22 trạm ý tế bị ngập nước. Hư hỏng vật tư, trang thiết bị y tế, thuốc tại các cơ sở y tế bị ngập nước; một số trạm y tế, phòng khám đa khoa bị sập hoàn toàn, hư hỏng nặng, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chăm sóc sức khỏe ở tuyến y cơ sở.
Đồng thời với tình hình lũ lụt dài ngày như vậy thì việc phát sinh các bệnh do ảnh hưởng của mưa lũ (sốt siêu vi, viêm phổi, viêm phế quản, tiêu chảy, da liễu...) là khó tránh khỏi. Hầu hết giếng nước, công trình cấp nước hộ gia đình, công trình vệ sinh cũng đều bị ngập nên nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm trầm trọng; môi trường tại các cơ sở y tế và các khu vực dân cư bị ngập đều ảnh hưởng nghiêm trọng, cần phải được khắc phục để đảm bảo vệ sinh, sức khỏe nhân dân.
UBND tỉnh Bình Định khẩn thiết đề nghị Bộ Y tế xem xét, hỗ trợ một số vấn đề sau:
Hỗ trợ trang thiết bị y tế (TTBYT) cần thiết phòng chống lụt bão cho các cơ sở y tế bị ngập nước.
Hỗ trợ thuốc, hóa chất, dụng cụ để cấp phát cho dân và các địa phương.
Xem xét, hỗ trợ và vận động doanh nghiệp kinh doanh dược phẩm, TTBYT hỗ trợ cho tỉnh khoảng 20 tỷ đồng để: Xây mới phòng khám đa khoa Cát Minh đã bị sập một phần và hư hỏng nghiêm trọng; sửa chửa nâng cấp một số trạm y tế ở các địa phương bị ngập nước.
Đề nghị Bộ Y tế cho nghành y tế tỉnh Bình Định tham gia vào các dự án ODA, các đề án của Bộ để hỗ trợ cho tỉnh Bình Định khắc phục hậu quả lũ lụt, đảm bảo công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Vũ Sơn