Ngành y tế Trung Quốc đối diện với cả cơ hội lẫn thách thức
Trong tình hình dịch bệnh bùng phát, y tế là ngành đối diện trực tiếp nhất với sự khủng hoảng. Các công ty sở hữu những ứng dụng y tế trực tuyến như Ali Health, Tencent Health, Ping An Good Doctor, Wedoctor đã tiến hành chiến dịch tư vấn trực tuyến miễn phí để sàng lọc cảm lạnh thông thường và Corona, giúp giảm áp lực cũng như sự lây lan chéo tại các cơ sở y tế. Các bệnh nhân nghi ngờ nhiễm bệnh đã được kiểm tra, tiến hành can thiệp tâm lý từ đó giảm thiểu hoảng loạn xã hội.
Theo Ali Health Data, tính đến ngày 30/1, số lần khám lâm sàng trực tuyến miễn phí vượt quá 2,8 triệu lần, số bác sĩ tham gia tư vấn vượt quá 1.000 người và trung bình các bác sĩ tham gia các phòng khám trực tuyến miễn phí tiếp nhận hơn 100 trường hợp mỗi ngày.
Giữa làn sóng dịch bệnh, các cơ sở y tế trực tuyến đã chứng minh khả năng triển khai, tổ chức, vận hành, độ uy tín và chuyên môn của họ. Từ đó cải thiện nhận thức của người dân đối với việc khám chữa bệnh từ xa. Điều này không chỉ giúp các cơ sở thu hút khách hàng, giáo dục thị trường mà còn cho phép các doanh nghiệp trên chứng minh "giá trị" trước chính phủ lẫn công chúng. Thái độ của bệnh viện đối với dịch vụ điều trị từ xa đã thay đổi từ sự thờ ơ sang cố gắng phát triển và hưởng lợi từ nó.
Các công ty công nghệ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các cơ sở y tế thiết lập các kênh dịch vụ cũng như hướng dẫn các bác sĩ sử dụng ứng dụng. Trong 2-3 năm tới, điều trị từ xa sẽ trở nên phổ biến hơn, đặc biệt là ở những nơi thiếu tài nguyên y tế, từ đó góp phần hỗ trợ chẩn đoán và phân loại điều trị sơ bộ, giúp ngành y tế phân bổ hợp lý các nguồn lực y tế hơn.
Theo dữ liệu của Analysys, tỷ lệ của dịch vụ chăm sóc sức khỏe là khoảng 3%, thấp hơn so với các dịch vụ khác. Yếu tố cản trở sự phát triển của ngành công nghiệp này là sự tin tưởng, bây giờ người dân lại tự nguyện và chủ động tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trực tuyến. Dịch vụ phòng khám trực tuyến miễn phí giúp người dùng được trải nghiệm nhiều hơn.
Sự lây lan nhanh chóng của virus Corona cũng đã khiến các bệnh viện tỉnh gặp vô vàn khó khăn trong việc đối phó và việc đẩy mạnh sử dụng robot đóng vai trò như một giải pháp. Những robot này cùng với máy bay không người lái và các ứng dụng làm việc tại nhà sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong thời điểm bùng phát virus hiện nay. Hiện các chuyên gia vẫn chưa đánh giá được các mức độ hiệu quả của các chiến thuật đối phó này.
Robot y tế là giải pháp an toàn trong thời dịch bệnh. (Ảnh: Bloomberg) |
Nikkie Lu, nhà phân tích của Bloomberg Intelligence cho biết “công nghệ robot được sử dụng trong các bệnh viện Trung Quốc không cao nhưng đó có thể là giai đoạn tiếp theo của robot Trung Quốc - sử dụng trong triển khai robot y tế”.
Số lượng robot gia tăng được triển khai để chống lại virus Corona đã giúp đẩy nhanh con đường Trung Quốc đến mục tiêu mà nước này đã đặt ra. Quốc gia này muốn trở thành một trong 10 quốc gia hàng đầu thế giới về tự động hóa vào cuối năm nay.
Ngoài ra, dịch bệnh cũng đã thúc đẩy thương mại điện tử y tế cho người dùng. Trước đây, mọi người đều mua thuốc trực tiếp tại các nhà thuốc. Nhưng giờ đây, thuốc đã được chuyển đến tận nhà để bảo đảm an toàn. Nếu các nhà thuốc đều tham gia mạng lưới nhà thuốc trực tuyến thì số lượng thuốc, nhu cầu thị trường sẽ được phản ánh rõ ràng, kịp thời. Từ đó có những điều chỉnh, phân bổ hợp lý khắp toàn quốc.
Y tế Việt Nam thể hiện "nội lực" mạnh mẽ
Mối quan hệ chặt chẽ về cả địa lý lẫn kinh tế với Trung Quốc khiến Việt Nam phải đối diện với nguy cơ lây nhiễm Corona cao hơn nhiều nước trong khu vực. Tuy nhiên, kinh nghiệm từ việc kiểm soát hiệu quả đại dịch SARS năm 2003 của ngành y tế Việt Nam lại một lần nữa được thể hiện mạnh mẽ. Hiện tại, cả nước có 14 trường hợp nhiễm Corona và đều đang trong quá trình cách ly, chữa trị.
Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) diễn tập xử lý và cách ly bệnh nhân nghi nhiễm virus corona - Ảnh: Tuoitre.vn |
Đồng thời, ngày 7/2 vừa qua, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết đã nuôi cấy và phân lập thành công chủng virus corona mới (nCoV) trong phòng thí nghiệm, tạo điều kiện cho việc xét nghiệm nhanh các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm nCoV.
Với việc này, mỗi ngày tại Việt Nam sẽ có khả năng xét nghiệm hàng nghìn mẫu bệnh phẩm trong trường hợp cần thiết. Hiện nay, Việt Nam đang có trên 1.000 người từ Trung Quốc trở về và gần 500 người có tiếp xúc gần với người nhiễm nCoV đang được cách ly, theo dõi, giám sát và chờ kết quả xét nghiệm.
Bộ Y tế cũng cho hay Bộ Khoa học và công nghệ đã đặt hàng nhóm các nhà khoa học trong nước nghiên cứu và sản xuất bộ kit xét nghiệm virus corona trong vòng 2 tuần. Theo Bộ Y tế, khi có bộ kit này, thời gian thực hiện và có kết quả xét nghiệm virus corona tại Việt Nam sẽ tương đương Trung Quốc hiện là khoảng 2 giờ (tính thời gian xét nghiệm) và dưới 4 giờ nếu tính cả thời gian chuẩn bị. Đây là thời gian xét nghiệm tìm virus corona được cho là nhanh nhất trong số 28 quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch cho đến nay.
Hình ảnh virus corona đã được nuôi cấy và phân lập thành công (Ảnh: Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương) |
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã hợp tác với Viettel ra mắt App Sức khỏe Việt Nam nhằm hỗ trợ phòng chống dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona. Ứng dụng này được hoàn thiện chỉ sau 6 ngày, trở thành ứng dụng thông tin chính thức duy nhất của Bộ Y tế giúp người dân tự đánh giá về nguy cơ dịch bệnh, trang bị kiến thức phòng chống dịch bệnh, cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh từ cơ quan y tế để bảo vệ bản thân và cộng đồng.
Ứng dụng này cũng là kênh để người dân tìm kiếm cơ sở y tế gần nhất để đăng ký thông tin nếu có nguy cơ lây nhiễm, hướng dẫn phương pháp cách ly và báo cáo ca bệnh nghi ngờ. Hiện ứng dụng Sức khỏe Việt Nam sử dụng trên các nền tảng Android và iOS, dành cho cả điện thoại thông minh và máy tính bảng.
Các bệnh viện trên cả nước cũng đã dành sẵn 3.000 giường bệnh và có kịch bản ứng phó phù hợp đối với từng diễn biến của dịch bệnh. Các phương tiện đại chúng kết hợp cùng Bộ y tế để trấn an dư luận và giảm thiểu khủng hoảng xã hội. Có thể thấy được vai trò quan trọng cũng như trình độ chuyên môn của ngành Y tế nước nhà được phát huy cao độ trong thời gian vừa qua.
Hoài Viễn