Mối lo lắng của chính quyền ngày càng gia tăng, nhưng dường như giới doanh nghiệp không thèm để ý. Giữa tháng 7 vừa rồi, Tổng Giám đốc Tangyin Steel, công ty con thuộc tập đoàn sản xuất thép hạng nặng HBIS Group đã bị bắt giam vì bất chấp cảnh báo của chính quyền về việc giảm 50% năng lực sản xuất để bảo đảm chất lượng không khí. “Các cơ quan chức năng trong nỗ lực tuyệt vọng đã phải hành động nhằm răn đe các công ty khác”, một nguồn tin thân cận với chính quyền Tangshan, một thành phố ở phía Đông thủ đô Bắc Kinh, trao đổi với Nikkei Asian Review.
Tangyin Steel ngay lập tức cho biết họ đang tuân thủ nghiêm túc yêu cầu của chính quyền. Ngay sau khi vị tổng giám đốc bị bắt giữ, trên các lối ra vào nhà máy của Tangyin đã xuất hiện bảng thông báo: “Lò cao 2 tạm ngừng hoạt động”.
Giới quan sát cho rằng dù chính quyền Tangshan đã mạnh tay khi xử lý một công ty lớn như Tangyin nhưng chừng đó có vẻ là chưa đủ vì các nhà máy thép vừa và nhỏ vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh sản xuất.
Quay lại cột mốc 1 tỷ tấn!
Sản lượng thép toàn cầu đạt 1,8 tỷ tấn trong năm 2018. Trung Quốc vào đỉnh điểm có thể sản xuất đến 1,3 tỷ tấn. Trong khi đó, năng lực sản xuất của toàn cầu có thể đạt 2,23 tỷ tấn. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo năng lực sản xuất có thể tăng 5% trong giai đoạn 2019-2021, phần lớn là từ hai lò sản xuất khổng lồ: Trung Quốc và Ấn Độ.
Thống kê từ đầu năm đến hết tháng 7/2019, sản lượng thép của Trung Quốc đã đạt 577 triệu tấn. Với sản lượng kỷ lục như vậy, dự báo trong năm 2019 ngành thép Trung Quốc có khả năng lại vượt cột mốc sản lượng 1 tỷ tấn, tăng 10% so với con số 928 triệu tấn của năm 2018.
Nguyên nhân của việc các công ty thép Trung Quốc đẩy mạnh sản xuất là do nỗ lực phục hồi giá thép của chính phủ nước này trong thời gian gần đây.
Xu hướng giá thép chững lại và có chiều hướng tụt xuống đã gây lo ngại cho ngành công nghiệp thép toàn cầu cho đến giữa năm 2015.
Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để giảm sản lượng thép trong khoảng thời gian từ 2016-2018, giảm được khoảng 150 triệu tấn. Cùng với đó, Bắc Kinh mạnh tay dẹp bỏ các nhà máy sản xuất thép chất lượng thấp (ditiaogang) từ kim loại phế liệu. Sản lượng của các nhà máy thép bất hợp pháp không có trong số liệu thống kê chính thức, nhưng lại có tác động làm giảm giá thép trên thị trường.
Điều đáng lo ngại là khi giá thép phục hồi trong năm 2017 thì sản lượng thép thô cũng bắt đầu tăng vọt, từ mức 800 triệu tấn năm 2016 đã tăng mạnh trong những năm tiếp theo.
Trên thị trường, hiện tại giá một tấn thép cuộn nóng vào khoảng 3.800 nhân dân tệ, tương đương 535 USD. Mức giá này cao hơn con số 2.000 tệ của năm 2015, nhưng giá thép đang có dấu hiệu đi xuống.
Nhu cầu thép tại Trung Quốc giảm. Tính đến tháng 8 vừa rồi, số lượng xe hơi mới bán ra đã không đạt chỉ tiêu 14 tháng liên tiếp bởi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung kéo dài đã ảnh hưởng đến sức mua của người Trung Quốc. Doanh số các thiết bị gia dụng khác cũng sụt giảm mạnh.
Chính quyền trung ương tiếp tục bơm vốn vào cơ sở hạ tầng trong các gói kích thích kinh tế, nhưng nguồn vốn không là vô tận và theo đúng tiến độ bởi núi nợ công của chính quyền địa phương ngày càng cao.
Khi nhu cầu sụt giảm thì giá quặng sắt lại tăng vọt. Tình hình này khiến Baoshan Iron & Steel và bốn công ty thép lớn khác ghi nhận sụt giảm lớn về lợi nhuận.
Hàng rào thuế 25% của Tổng thống Donald Trump đã ngăn chặn dòng chảy của thép Trung Quốc vào Hoa Kỳ và buộc nó chuyển hướng sang các thị trường có hàng rào bảo hộ yếu hơn. (Ảnh: Reuters). |
Hệ thống lò cao đáng lo ngại
Các nhà máy thép lậu cũng tăng cường hoạt động. Căng thẳng thương mại kéo dài cũng không cho thấy một viễn cảnh thị trường lạc quan hơn.
Giờ đây, Bắc Kinh đang có mối lo âu mới. Nhiều năm qua, các nhà sản xuất thép Trung Quốc đã đóng cửa nhiều lò cao lỗi thời để cắt giảm sản lượng dư thừa và bảo vệ môi trường. Nhưng họ cũng xây dựng một số lò cao mới với công suất thấp hơn.
Khoảng 70% lò cao mới sẽ đi vào vận hành từ nay đến năm 2020. Năng suất bổ sung ước khoảng 61 triệu tấn thép trong năm 2019 và 62 triệu tấn trong năm 2020.
“Năng lực sản xuất giảm, nhưng khác với các lò cao cũ, lò cao mới có thể hoạt động hết công suất. Vì thế, có khả năng sản lượng trên thực tế sẽ tăng” - một nguồn tin nhận định.
Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc cho biết họ sẽ tăng cường các hoạt động giám sát để ngăn chặn tình trạng sản xuất dư thừa. Nhưng việc tăng vọt sản lượng gần đây đã làm các nước lo ngại và cũng không hiểu rõ các chiến dịch “trấn áp” sản xuất thừa của chính phủ Trung Quốc sẽ hiệu quả như thế nào. Viễn cảnh nền công nghiệp thép thế giới phải đối phó với các đợt sóng thép dư thừa đổ ra đang hiện rõ.
Thép dư thừa tràn ngập Đông Nam Á
Nguồn thép dư thừa hơn 10% từ Trung Quốc có thể “chảy” vào Đông Nam Á, gây áp lực cho thị trường thép châu Á. Giá thép tại thị trường Hoa Kỳ vẫn đang yếu bất chấp các biện pháp bảo hộ bởi nhu cầu kém. Điều đáng lo ngại là tình hình này sẽ lan ra toàn thế giới.
Giá quặng đã giảm nhiệt từ tháng 4, nhưng nếu sản lượng sản xuất vẫn tiếp tục tăng mạnh, các hãng thép ở Trung Quốc có thể phải đối diện với tình trạng nguyên liệu tăng nhưng giá thành sản phẩm lại giảm.
Chủ tịch Yoshihisa Kitano của JFE Steel và đồng thời là Chủ tịch Liên đoàn Gang Thép Nhật Bản, nhận định: “Một số sản phẩm thép đang hướng thị trường nước ngoài. Điều này sẽ chắc chắn ảnh hưởng đến giá thép nguyên liệu ở Đông Nam Á”.
Phan Huấn - Ricky Hồ (tổng hợp)