Ngành nông nghiệp hướng tới mục tiêu xuất khẩu trên 42 tỷ USD

(CL&CS) - Với kim ngạch xuất nhập khẩu đạt tới 41,2 tỷ USD - một con số cực kỳ ấn tượng qua 1 năm đầy khó khăn vì dịch Covid-19, đang tạo đà, tạo lực bứt phá cho công tác xuất nhập khẩu ngành nông sản của Việt Nam trong giai đoạn tới.

Ngay những ngày đầu tháng 1/2021, hoạt động xuất khẩu nông sản đã diễn ra hết sức sôi động. Các lô hàng thủy sản, lúa gạo đầu tiên đã được xuất khẩu tới nhiều thị trường tiềm năng như: Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Singapore,… Điển hình là lô hàng thủy sản do Công ty CP Thủy sản Minh Phú (tỉnh Hậu Giang) gồm 8 container tôm tới thị trường EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản; lô hàng thủy sản của Công ty CP Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu gồm 8 container mực, cá ngừ, bạch tuộc,… sang thị trường Canada, Hoa Kỳ, Australia.

Trong khi đó, mặt hàng gạo đang được hưởng những lợi thế chưa từng có từ việc tham gia các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.

Nhiều tín hiệu tích cực cho xuất khẩu nông sản

Chẳng hạn, ngày 13/1/2021, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đã xuất khẩu 1.600 tấn gạo sang thị trường Malaysia, Singapore với giá cao, gạo thơm Hương Lài giá 750 USD/tấn, thơm Jasmine giá 680 USD/tấn. Bên cạnh lô hàng nói trên, Công ty Trung An còn có một đơn hàng hơn 2.000 tấn chuẩn bị được xuất sang Đức.

Nhiều tín hiệu tích cực cho xuất khẩu nông sản

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT), đánh giá, nhiều ngành hàng nông sản đang có những tín hiệu khả quan. Chẳng hạn, với ngành điều, theo kế hoạch xuất khẩu năm 2021 của Bộ NN&PTNT, tổng kim ngạch xuất khẩu điều phấn đấu đạt 3,6 tỷ USD tăng 12,9% so với năm 2020. Hoặc, với ngành tôm, trong quý I/2021 cần đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng tôm ở dạng đông lạnh tới những thị trường lớn có nhu cầu cao như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu và Nga.

“Các DN cần đặc biệt lưu ý các thủ tục để được hưởng ưu đãi thuế từ các hiệp định thương mại tự do để tăng tính cạnh tranh về giá đối với những sản phẩm tôm của những đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ, Thái Lan và Indonesia”, ông Toản nói.

Cũng theo ông Toản, đối với thị trường Trung Quốc, mặt hàng tôm hùm sống và tôm khô đang có nhu cầu lớn nên các doanh nghiệp cần lưu ý đặc biệt đảm bảo chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường Trung Quốc ở hai mặt hàng này. Còn đối với mặt hàng cá ngừ, nguồn cung cá ngừ bị ảnh hưởng lớn trong tháng 10/2020 vì những cơn bão. Tuy nhiên tình hình xuất khẩu mặt hàng này trong quý I/2021 sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng hơn khi nguồn cung dần trở lại ổn định. Các DN cần đặc biệt lưu ý tới nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này ở thị trường Ai Cập và Israel.

Riêng đối với mặt hàng cá tra, nguồn cung cá tra đang dần ổn định, đầu ra cho sản phẩm cá tra cũng ít bị gián đoạn như giai đoạn quý II và quý III/2020. Giai đoạn đầu năm 2021 là thời điểm để các DN xuất khẩu cá tra đẩy mạnh xuất khẩu hơn nữa tới những thị trường lớn và truyền thống.

Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), cũng cho biết, trong bối cảnh còn có những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, dự báo về thị trường xuất khẩu điều năm 2021, có thể 6 tháng đầu năm vẫn còn khó khăn. Song nửa cuối năm 2021, tình hình dịch bệnh trên thế giới có thể sẽ được kiểm soát, từ đó việc xuất khẩu sẽ thuận lợi hơn.

“Hiện tại, các doanh nghiệp lớn đã có đơn hàng cho quý I/2021. Tôi hi vọng năm 2021 sẽ là năm thành công của ngành điều”, ông Công kỳ vọng.

Được biết, ngành nông, lâm, thủy sản phấn đấu mục tiêu năm 2021 đạt tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 2,7 - 3%; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản trên 2,8 - 3,1%; trong đó trồng trọt tăng 1,3%, chăn nuôi tăng 5,7%, thủy sản tăng 3,8%, lâm nghiệp tăng 5,0%. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 42 tỷ USD.

Vẫn cần nhiều giải pháp ứng phó các điều kiện bất lợi

Dù thị trường xuất khẩu nông sản ngay từ những ngày đầu năm đã có những tín hiệu tích cực, song theo Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản, năm 2021, thế giới vẫn phải đối mặt với dịch Covid-19 và sẽ tiếp tục tác động nghiêm trọng tới các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh đó, hoạt động xuất khẩu nói chung, xuất khẩu nông sản nói riêng còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Cụ thể, khó khăn thứ nhất, các quốc gia sẽ tăng cường đầu tư cho sản xuất lương thực, thực phẩm trong nước nhằm giảm phụ thuộc vào việc nhập khẩu và bảo đảm an ninh lương thực. Các ngành hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam cũng chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn từ các sản phẩm của những quốc gia xuất khẩu nông sản khác. Thứ hai, khi thực hiện các cam kết mở cửa thị trường, giảm thuế thì các nước nhập khẩu sẽ gia tăng áp dụng những biện pháp kỹ thuật, rào cản thương mại gây nhiều cản trở cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Thứ ba, xung đột chính trị, xung đột thương mại giữa các nước lớn tiếp tục tác động, ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu nói chung, xuất khẩu nông sản nói riêng. Thứ tư, ngành Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh.

“Những thách thức nêu trên đang đặt ra không ít vấn đề, đòi hỏi nhiều nỗ lực cũng như sự phối hợp của các cơ quan chức năng và ngành nông nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu”, ông Toản cho hay.

Còn theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, trong năm 2021, Bộ sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa của từng vùng miền; đồng bộ hóa các giải pháp và chương trình, kế hoạch hành động phát triển nông nghiệp hiện đại, nông dân giàu có, nông thôn phồn thịnh, văn minh.

“Mục tiêu của ngành nông nghiệp trong năm 2021 là thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo chuỗi giá trị với 3 nhóm sản phẩm chủ lực, đáp ứng nhu cầu thị trường, ứng dụng công nghệ cao, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Tổ chức liên kết chặt chẽ giữa các địa phương có các vùng nguyên liệu tương đồng, tạo đột phá trong phát triển nhanh, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh hàng nông sản Việt Nam. Kết nối nông nghiệp với công nghệ bảo quản, công nghiệp chế biến và thị trường, xuất khẩu, với chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Cường cho hay.

TIN LIÊN QUAN