Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đối với thị trường quốc tế Bộ đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương thực hiện các cơ chế, chính sách đối với công tác xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường để giải quyết kịp thời các vướng mắc thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản; ứng phó với tác động của dịch Covid-19 và xung đột quân sự Nga - Ukraine làm đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu.
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 đạt 27,88 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ trước. Trong đó nhóm nông sản chính 11,37 tỷ USD, tăng 8,8%; lâm sản chính 9,1 tỷ USD, tăng 3,0; thủy sản 5,8 tỷ USD, tăng 40,8%; chăn nuôi 176 triệu USD, giảm 15,9%; đầu vào sản xuất 1,42 tỷ USD, tăng 64,8%.
Đặt được kết quả trên, việc phối hợp với Đại sứ quán, Tham tán Thương mại, Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại các nước xây dựng các kênh trao đổi, cung cấp thông tin các thị trường xuất khẩu, tăng cường xúc tiến, quảng bá theo hình thức trực tuyến đối với các sản phẩm đã được mở cửa, xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường gắn liền với các hoạt động ngoại giao của Chính phủ và của Bộ vào các thị trường lớn (Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nga, Braxin) và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng (Nhật Bản - Hàn Quốc, ASEAN, Úc - New Zealand, Trung Đông).
Đồng thời chuẩn bị tổ chức Đoàn giao thương, quảng bá chuỗi cung ứng trái cây, thủy sản tại Trung Quốc. Đàm phán, hoàn thiện các thủ tục xuất khẩu xoài, thịt gà sang Hàn Quốc, bưởi, chanh ta sang New Zealand; lông vũ, yến và sản phẩm từ yến, sữa và sản phẩm từ sữa sang Trung Quốc; mật ong sang EU; khảo sát vùng trồng, nhà máy chiếu xạ để thống nhất kế hoạch xuất khẩu bưởi với Hoa Kỳ. Hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện quy định Lệnh 248, 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc...
09 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 01 tỷ USD
Đóng góp vào thành công đó, có 09 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng cao và đạt trên 01 tỷ USD (cà phê, cao su, điều, rau quả, gạo, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ, đầu vào phục vụ sản xuất); trong đó, cao su, cà phê, gạo, sắn và sản phẩm từ sắn tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu, cụ thể: Cao su (+9,2% khối lượng, +12,2% giá trị), cà phê (+21,7% khối lượng, +49,7% giá trị), gạo (+16,2% khối lượng, +4,6% giá trị), sắn và sản phẩm từ sắn (+13,2% khối lượng, +28% giá trị); riêng hồ tiêu dù khối lượng xuất khẩu giảm (đạt 125 nghìn tấn, giảm 19,1%), nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng 40,9% nên giá trị xuất khẩu vẫn tăng (đạt 566 triệu USD, tăng 14,0%).
Những mặt hàng khác tăng giá trị chủ yếu nhờ khối lượng như: gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,49 tỷ USD (+2,8%), mây, tre, cói thảm 481 triệu USD (+8,2%).
4 thị trường lớn
Từ đầu năm đến nay, có 4 thị trường nhập khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam (Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc).
Trong đó 2 thị trường lớn nhất (Hoa Kỳ và Trung Quốc) thời gian qua được duy trì tốt: Hoa Kỳ (thị trường lớn nhất): Với kim ngạch xuất khẩu khoảng 7,61 tỷ USD (tăng 7,9% và chiếm 27,3% tổng giá trị xuất khẩu), trong đó, chủ yếu là gỗ và sản phẩm gỗ (chiếm khoảng 66,8%); Trung Quốc (thị trường xuất khẩu lớn thứ 2): Với kim ngạch xuất khẩu NLTS khoảng 4,97 tỷ USD (tăng 5,9% và chiếm 17,8% tổng giá trị xuất khẩu).
Đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử
Hỗ trợ các địa phương, ngành hàng tổ chức các hội nghị, diễn đàn, trao đổi thông tin, thảo luận giải pháp trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, quảng bá sản phẩm, kêu gọi đầu tư.
Hỗ trợ kết nối nông sản có sản lượng lớn khi vào vụ và gặp khó khăn khi xuất khẩu vào các hệ thống siêu thị, như Big C, AEON, Hapro, Vinmart (mặt hàng vải thiều, cá tra, cá lòng hồ và các sản phẩm thủy sản, nông sản an toàn của Hợp tác xã); đẩy mạnh tham gia các sàn thương mại điện tử uy tín như: Alibaba, Amazon, Sendo, Voso, Shopee…thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.