Ngành ngân hàng đồng hành cùng cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

(NTD) - Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là dự án lớn có ý nghĩa quan trọng đối với toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, ngành ngân hàng sẽ đồng hành với dự án này, vì đây không chỉ là quan hệ thương mại thuần túy mà còn là trách nhiệm xã hội, trách nhiệm phát triển kinh tế nói chung của toàn vùng.

Đó là phát biểu của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú tại buổi làm việc nhằm thảo luận và tháo gỡ một số khó khăn liên quan đến phương án đầu tư, phương án vốn đối với dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được tổ chức tại Tiền Giang vào ngày 7/8/2019.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: SBV).

Bảo đảm vốn để dự án thực hiện đúng tiến độ

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng cho biết, với trách nhiệm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, tỉnh Tiền Giang đã nỗ lực, trách nhiệm, đồng hành cùng chủ đầu tư dự án là CTCP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận để tháo gỡ các khó khăn liên quan đến dự án.

Đến ngày 7/8, hiện chỉ còn 37/3.292 hộ dân chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án. Tiền Giang đã bàn giao 50,77/51,1km mặt bằng, đạt 99,34%; còn lại 330m chưa bàn giao mặt bằng. Những vấn đề chủ đầu tư kiến nghị thuộc thẩm quyền của tỉnh Tiền Giang, tỉnh sẽ có trách nhiệm giải quyết, nỗ lực hết mình để đảm bảo tiến độ của dự án.

Nhà đầu tư đã góp và huy động vào dự án là 2.500 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 1.542 tỷ đồng, vốn huy động khác là 924 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến cuối 2018 dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận mới chỉ thực hiện được khoảng 15% khối lượng công việc.

Các vướng mắc pháp lý cơ bản tồn tại trước đây ở dự án chủ yếu là từ việc điều chỉnh tăng quy mô nhưng giảm tổng mức đầu tư; chênh lệch giữa lãi suất tín dụng và lãi suất vay vốn thực tế quá lớn. Ngoài ra, việc phải loại bỏ các nhà đầu tư yếu kém và tính toán lại định mức hỗ trợ nguồn doanh thu cho phù hợp cũng khiến tiến độ dự án bị chậm trong thời gian dài. Đến nay, hầu hết các vướng mắc này đã được các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp tháo gỡ và đang trong quá trình bổ sung, hoàn thiện lại các pháp lý đầu tư cho phù hợp.

Riêng về việc vay vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại, ông Mai Mạnh Hồng, Tổng Giám đốc CTCP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, hiện các ngân hàng VietinBank (đầu mối thu xếp vốn cho dự án), BIDV, Agribank và VPBank đều đã ký hợp đồng tài trợ tín dụng cho dự án này với tổng hạn mức 6.850 tỷ đồng (bằng 70% tổng mức đầu tư dự án) nhưng chưa thể giải ngân được.

Ông Trần Văn Tần, Ủy viên HĐQT VietinBank cho rằng, ngân hàng đã theo sát quá trình hoàn thiện các phương án đầu tư, phương án vốn từ lúc dự án bắt đầu có chủ trương thực hiện. VietinBank cam kết sẽ theo sát, tài trợ đủ vốn dự án như hợp đồng tín dụng đã được ký kết. Tuy nhiên, phía chủ đầu tư cũng cần đảm bảo có đủ 30% vốn cho dự án, bổ sung, tính toán cụ thể hơn đối với các phương án thu phí, thu hồi vốn. Cam kết ưu tiên trả nợ ngân hàng khi có doanh thu.

Đại diện BIDV cũng thống nhất chủ trương sẽ tiếp tục đầu tư dự án nhưng lưu ý đến cấu phần vốn ngân sách trong dự án, bởi việc chậm trễ phần vốn ngân sách ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ công trình. Ngoài ra, các rủi ro về thu phí, thời gian hoàn vốn cũng cần có những cam kết để các ngân hàng có căn cứ mạnh dạn giải ngân.

Với vai trò cơ quan quản lý chính sách tiền tệ, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, NHNN vẫn chủ trương hạn chế việc đầu tư quá nhiều vốn vào các lĩnh vực bất động sản, hạ tầng. Tuy nhiên, các dự án trọng điểm có ý nghĩa chiến lược, có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội quốc gia như dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thì các ngân hàng thương mại sẽ luôn đồng hành, tài trợ đủ nguồn vốn để các địa phương, chủ đầu tư thực hiện đúng tiến độ.

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang thi công.(Ảnh: Văn Nguyện).

Ỳ ạch suốt 10 năm

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận nằm hoàn toàn trên địa bản tỉnh Tiền Giang có quy mô chiều dài toàn tuyến 51,1km, giai đoạn 1 theo hình thức hợp đồng BOT. Xây dựng giai đoạn 1, dự án có bề rộng nền đường 17m, 4 làn xe cơ giới, 39 cầu trên tuyến chính, 4 cầu trong nút giao liên thông, 5 cầu vượt trực thông, 1 cầu trên tuyến tránh ĐT 868 Cai Lậy, 2 cầu trên tuyến nối nút giao Cái Bè.

Điểm đầu dự án tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành) tiếp nối cao tốc TP.HCM - Trung Lương tại Km 49+602 và điểm cuối ở nút giao với quốc lộ 30 (xã An Thái Trung, huyện Cái Bè) tại Km 100+750 theo lộ trình dự án. Dự án ảnh hưởng đến 3.292 hộ dân phải giải tỏa với tổng số tiền đầu tư giải phóng mặt bằng 1.689 tỷ đồng.

Dự án này được khởi công vào tháng 11/2009, dự kiến hoàn thành vào quý 3/2013 với tổng mức đầu tư khoảng 19.000 tỷ đồng, do CTCP Phát triển đường cao tốc BIDV làm chủ đầu tư. Hơn 10 năm, dự án phải 2 lần thay đổi nhà đầu tư, 3 lần thay đổi tổng vốn đầu tư và 4 lần lùi thời hạn hoàn thành.

Đến tháng 3/2019, cơ quan Nhà nước có thầm quyền của dự án được chuyển từ Bộ Giao thông Vận tải về UBND tỉnh Tiền Giang để chủ động xử lý các vướng mắc như lãi vay, phương án thu phí...

Theo phương án tài chính tại Quyết định số 2463/QĐ-UBND ngày 2/8/2019 của UBND tỉnh Tiền Giang, dự án có tổng mức đầu tư 12.668 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ là 2.186 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư là 3.000 tỷ đồng, vốn vay ngân hàng 6.682 tỷ đồng.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thông xe toàn tuyến cao tốc vào năm 2020 và khánh thành vào năm 2021. Bên cạnh bảo đảm tiến độ thì yêu cầu về chất lượng đặt ra hàng đầu; tránh trường hợp vì đẩy tiến độ mà triển khai với chất lượng thấp, giám sát thi công cẩu thả...

N.N

Nên đọc