Phát triển năng lượng mặt trời ở Asean 2010-2019. |
Đứng đầu khu vực
Ông Rishab Shrestha, chuyên gia phân tích về điện và năng lượng tái tạo thuộc hãng tư vấn Wood Mackenzie nói rằng đây là sự phát triển đầy ngạc nhiên bởi công suất điện mặt trời chỉ đạt 134MW cuối năm ngoái.
Ông Andreas Cremer, Giám đốc năng lượng và hạ tầng cho thị trường châu Âu, Trung Đông và châu Á tại công ty đầu tư DEG, cho rằng quá trình phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam là rất ấn tượng.
“Họ bắt đầu thay đổi kế hoạch phát triển ngành điện vào năm 2016, với mục tiêu điện đến từ năng lượng tái tạo và thủy lực tăng lên 23% từ mức 16% của năm 2011. Đầu năm 2019, về cơ bản họ chưa có gì. Tuy nhiên, đến hết tháng 6, công suất phát điện từ năng lượng tái tạo đạt hơn 4GW, chiếm khoảng 8,28% tổng nguồn cung điện của Việt Nam” - ông nói tại Hội nghị Thượng đỉnh Năng lượng sạch châu Á hồi tháng 10.
Theo tính toán của hãng tư vấn Rystad Energy, thời gian trung bình để xây dựng và hoàn thành dự án điện mặt trời ở Việt Nam đạt mức ngắn kỷ lục: Trong vòng 275 ngày.
Tuy nhiên, ngành năng lượng Việt Nam chưa dừng lại ở đó. Tháng trước, Việt Nam công bố dự án nhà máy thủy điện - điện mặt trời Đa Mi có tổng công suất 175MW, trong đó có 47,5MW đến từ các tấm pin mặt trời được lắp đặt trên mặt hồ thủy điện. Đây là dự án điện mặt trời nổi đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam. Đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nói rằng dự án đầy sáng tạo là mô hình cho các nhà máy năng lượng tái tạo ở Việt Nam và khắp châu Á - Thái Bình Dương
Một nhà máy điện mặt trời và sức gió ở Phú Lạc, Bình Thuận. (Ảnh: AFP). |
Không thể hòa lưới
Các nhà đầu tư đổ vốn ào ạt vào các dự án điện mặt trời khi giá được được bảo đảm ở mức cao và ổn định trong suốt 20 năm. Giá mua điện đối với các dự án được cấp phép hoặc đăng ký trước ngày 30/6/2019 được ấn định ở mức 9,35 cent/kWh.
“Tuy nhìn thấy rủi ro nhưng các nhà sản xuất năng lượng độc lập cùng nhà phát triển cảm thấy an tâm và ngân hàng cũng mạnh tay cho vay với các dự án điện mặt trời. Giá mua điện đã chứng minh đây là công cụ hữu hiệu để phát triển năng lượng tái tạo” - ông Shrestha phát biểu.
Sự bùng nổ của các dự án điện mặt trời ở Việt Nam dẫn tới tình trạng quá tải lưới điện, tức là lượng điện mặt trời phát ra vượt công suất lưới điện 18%. Tuy nhiên, nhà tư vấn của hãng Wood Mackenzie nói rằng cần phải đầu tư mạnh hơn cho ngành điện: “Các dự án điện mặt trời được chấp thuận tại Ninh Thuận và Bình Thuận có công suất là 5GW, gấp hơn hai lần công suất có thể lên lưới”.
Sự phát triển chưa đồng bộ giữa hạ tầng truyền tải điện, các trạm biến áp tại một số khu vực khiến các dự án điện mặt trời đưa vào hoạt động không thể chạy hết công suất, chỉ ở mức 30-40%. Trong khi đó, Nhà nước vẫn còn giữ độc quyền trong việc xây dựng mạng truyền tải và phân phối điện.
Báo cáo mới nhất của Bộ Công thương cho thấy, hiện nay, các dự án điện mặt trời được đề xuất đã lên đến gần 33.000MW, trong đó đã được bổ sung quy hoạch khoảng 10.300MW. Bộ đang tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), cơ quan viện trợ Mỹ USAID, cơ quan viện trợ Đức GIZ... nghiên cứu cơ chế phát triển năng lượng tái tạo dự kiến áp dụng sau năm 2021. Chính phủ có thể giao tư nhân đấu thầu đường dây 500kV.
Nhà đầu tư lo lắng
Giá mới 7,09 cent/kWh với điện mặt trời trên mặt đất đồng nghĩa mức giảm 32%, nghĩa là lợi nhuận của nhà đầu tư cũng giảm tương ứng. Với mức giá này, nhiều doanh nghiệp đã và đang đầu tư vào ngành này sẽ gặp khó khăn khi các ngân hàng cũng không còn mặn mà chuyện giải ngân, nhà đầu tư có thể mất vốn đã bỏ ra. CTCP Đầu tư xây dựng Trung Nam hiện có hai dự án điện mặt trời: Nhà máy 204MW tại Ninh Thuận và nhà máy 140MW tại Trà Vinh. Tổng Giám đốc Trung Nam Nguyễn Tâm Tiến nói, mức giá 9,35 cent/kWh trước đây đã kích thích nhà đầu tư. Giờ giá mua điện giảm khiến nhà đầu tư “dội”.
Ông Tiến cho biết thêm, hiện bức xạ nhiệt mỗi vùng là khác nhau nên việc áp đồng giá 7,09 cent/kWh cũng làm nản lòng chủ đầu tư. Bởi hiện nay các tỉnh như Ninh Thuận, Bình Thuận bức xạ nhiệt cao tuy nhiên đã quá tải đường truyền. Còn các địa phương khác lại không được lượng bức xạ nhiệt cao thì mức giá này sẽ gây tổn thất nặng.
Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi kiến nghị cần thực hiện giá mua điện mặt trời nối lưới theo nhiều vùng, hai hoặc bốn vùng, thay cho giá mua điện chung trong cả nước, tránh tình trạng mất cân đối. Ông cho rằng “cần tránh tập trung nơi quá nhiều dự án, nơi không có nhà đầu tư, gây quá tải cục bộ, ảnh hưởng đến an toàn cung cấp điện của hệ thống”.
Trong khi đó, từ đầu tháng 7, nhiều hộ dân và doanh nghiệp tại TP.HCM không dám tự bỏ tiền hay lập dự án đầu tư bởi Chính phủ chưa chốt giá mua điện mới dù rằng ngành điện hứa miệng sẽ mua với giá 9,35 cent/kWh. Do giá chưa được phê duyệt, ngành điện vẫn nối lưới nhận điện từ các hộ hay doanh nghiệp điện mặt trời áp mái nhưng chưa ký hợp đồng mua bán điện. Nhà đầu tư vẫn chưa nhận được tiền bán điện trong 4 tháng qua.
Ricky Hồ - Ngọc Nguyễn