Ngành dệt may: “Vượt bão” thành công và sẽ còn tăng trưởng

(CL&CS) - EVFTA sẽ có tác động tích cực đến ngành dệt may trong dài hạn, vì các công ty sẽ cần thời gian để phát triển các chuỗi sản xuất Sợi - Dệt - Nhuộm phù hợp để đáp ứng các tiêu chuẩn ban đầu.

Ngành dệt may có một năm đầy biến động. Nhờ biết chuyển đổi sang khẩu trang và các sản phẩm giúp người dân phòng tránh Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã "vượt bão" thành công. Công ty chứng khoán Vndirect dự báo ngành dệt may vẫn còn "cửa sáng" trong năm 2021 và 2022.

Chuyển đổi sang mặt hàng chống dịch

Do tác động của đại dịch Covid-19, dệt may là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi gián đoạn chuỗi cung ứng, nhu cầu thị trường giảm mạnh và hoạt động cách ly xã hội khiến các nhà máy phải tạm dừng sản xuất. Trong 6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu ngành dệt may đạt 15,68 tỷ USD (giảm 13,4%).

Trong khoảng thời gian này, khẩu trang y tế là mặt hàng có nhu cầu tiệu thu rất lớn và để tận dụng điều đó, một số doanh nghiệp dệt may trong đó có CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) đã chuyển sang sản xuất khẩu trang và các thiết bị bảo hộ y tế.

Mặc dù lượng đơn hàng mới vẫn còn hạn chế, Vndirect đã nhìn thấy những tín hiệu phục hồi khi xuất khẩu dệt may trong tháng 9/2020 và tháng 10/2020 đã phuc hồi lần lượt bằng 98% và 97%. Điều này có thể lí giải từ việc nhu cầu về quần áo thể thao tăng mạnh tại thi trường Mỹ. Trong 10 tháng đầu năm, xuất khẩu dệt may đạt 27,6 tỷ USD (giảm 10%), trong đó Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm 41% giá trị xuất khẩu.

Một số doanh nghiệp dệt may đã chuyển đổi một phần dây chuyền sản xuất sang khẩu trang y tế và thiết bị bảo hộ cá nhân, điều này phần nào hỗ trợ cho sự sụt giảm về doanh số bán hàng.

Khẩu trang là mặt hàng không cần chi phí đầu tư cao, hơn nữa, hầu hết các nhà máy, thiết bị và công nhân hiện có trong ngành may mặc của Việt Nam đều có thể làm được khẩu trang. Thêm vào đó, chất liệu vải kháng khuẩn được sử dụng để làm khẩu trang có thể được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc mà không gặp khó khăn.

Do đó, theo quan điểm của Vndirect, năng lực sản xuất khẩu trang của Việt Nam là rất lớn. Vndirect cho rằng sau khi đáp ứng nhu cầu trong nước, sản phẩm có thể được xuất khẩu và Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất khẩu trang mới của thế giới.

Là một trong những nhà sản xuất khẩu trang lớn nhất cả nước, doanh thu TCM giảm nhẹ 2,6% xuống còn 2.717 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm trong khi lợi nhuận ròng tăng 30,5% lên 201 tỷ đồng.

CTCP Sản xuất Thương mại Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (GIL) đã chuyển từ làm việc với các đối tác truyền thống sang các tập đoàn khổng lồ về bán lẻ trực tuyến như Amazon và IKEA - những công ty được hưởng lợi lớn từ việc gia tăng mua sắm trực tuyến.

Do đó, doanh thu của GIL tăng 45% lên 2.546 tỷ đồng và lợi nhuận ròng tăng 107% lên 189 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm.

Công ty Cổ phần Phong Phú (PPH) đã thoái vốn khỏi các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả qua đó giảm chi phí hoạt động kinh doanh 43,4%. Do đó, công ty đạt mức tăng trưởng ấn tượng 33,5% về lợi nhuận sau thuế 9 tháng.

Covid-19 vẫn gây ảnh hưởng nặng nề đến toàn ngành

Ngoài một số công ty đã thay đổi dây chuyền sản xuất kịp thời, hầu hết các doanh nghiệp dệt may đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Vndirect ước tính tổng doanh thu 9 tháng đầu năm của các công ty dệt may niêm yết giảm 19,5% trong khi lợi nhuận sau thuế giảm mạnh 30%.

Công ty Cổ phần May Việt Tiến (VGG) ghi nhận lợi nhuận 9 tháng đầu năm giảm mạnh 75% do nhu cầu giảm từ các thị trường xuất khẩu chủ chốt bao gồm Hàn Quốc, Mỹ và EU. May Sông Hồng (MSH) chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi khách hàng lớn nhất - RTW Retailwinds đã nộp đơn phá sản vào ngày 20/7. Điều này khiến lợi nhuận ròng 9 tháng của MSH giảm mạnh 53,8%.

Vndirect đánh giá Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều nhất từ sự chuyển dịch sản xuất hàng may mặc từ Trung Quốc trong những năm gần đây. Tuy nhiên, xu hướng này đã bị gián đoạn bởi Covid-19. Khi dịch bệnh được kiểm soát thành công, các doanh nghiệp dệt may của Việt Nam có thể tiếp tục sản xuất trong thời gian phong tỏa. Logistics và kho bãi tiếp tục hoạt động trơn tru cho thấy khả năng phục hồi tốt hơn của Việt Nam so với các nước châu Á khác.

Do đó, Vndirect cho rằng các đơn đặt hàng ở Việt Nam có nhiều khả năng tăng trở lại cao hơn so với các nhà sản xuất dệt may lớn khác như Bangladesh, Pakistan hoặc Ấn Độ.

Có dấu hiệu phục hồi

“Chúng tôi tin rằng Việt Nam có đủ khả năng để có thêm những đơn hàng xuất khẩu khi nhu cầu tăng trở lại. Ngoài ra, sự phục hồi của các khách hàng chính từ Mỹ và Trung Quốc là dấu hiệu tốt cho ngành dệt may Việt Nam. IMF ước tính GDP năm 2021 của Trung Quốc sẽ tăng 8,2% và GDP của Mỹ tăng 3,1%”, Vndirect nhận định.

Vndirect nhận thấy một số doanh nghiệp dệt may đã có dấu hiệu phục hồi dần về số lượng đặt hàng mới trong quý 4/2020. Các nhà máy của STK đang hoạt động với 100% công suất và TCM ghi nhận mức tăng trưởng 30% so với quý trước về đơn đặt hàng quần áo thể thao và áo sơ mi.

Vndirect ước tính giá trị xuất khẩu dệt may sẽ tăng 6,2% lên 6,8 tỷ USD trong quý 1/2021 do nhu cầu bị dồn nén mạnh mẽ được dự báo sau đại dịch ở các nước như Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc.

Vndirect kỳ vọng xuất khẩu dệt may Việt Nam sẽ tăng 8,4% lên 6,4 tỷ USD trong quý 1/2021. Tham gia ngày càng nhiều vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) là động lực tăng trưởng trong dài hạn Khâu sản xuất vải vẫn là một nút thắt đối với ngành dệt may Việt Nam khi phải tuân theo các yêu cầu của FTA về xuất xứ sản phẩm.

Vndirect kỳ vọng rằng, EVFTA sẽ có tác động tích cực đến ngành dệt may trong dài hạn, vì các công ty sẽ cần thời gian để phát triển các chuỗi sản xuất Sợi - Dệt - Nhuộm phù hợp để đáp ứng các tiêu chuẩn ban đầu. Điều này sẽ đảm bảo tiêu dùng bền vững và tăng sức cạnh tranh cho hàng dệt may của Việt Nam. Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), giá trị xuất khẩu hàng dệt may ước tính giảm 10% vào năm 2021 và phục hồi hoàn toàn vào năm 2022.

TIN LIÊN QUAN