Ngành công thương và mục tiêu xuất khẩu 300 tỷ USD năm 2020

(NTD) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, năm 2020, ngành công thương phải phấn đấu xuất khẩu chạm mốc 300 tỷ USD, xuất siêu 2% GDP và lưu ý không được để mất thị trường bán lẻ…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự hội nghị. Ảnh: VGP

Ngày 27/12, phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020 của ngành công thương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vai trò của ngành công thương - ngành đóng góp đến 80% GDP cả nước.

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu tụt dốc, nhưng GDP năm 2019 của chúng ta vẫn tăng trưởng trên 7%. Kết quả này có sự đóng góp “không thể bàn cãi” của ngành và các doanh nghiệp thuộc ngành công thương. Động lực chính cho tăng trưởng kinh tế vẫn là công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng trên 10,5% và thương mại, thể hiện ở sức cầu tiêu dùng cuối cùng của nền kinh tế, tăng 11,9%, đều vượt kế hoạch.

Tổng quy mô ngoại thương của nền kinh tế đã lên đến 517 tỷ USD, là nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 22 thế giới với 264 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư kỷ lục xấp xỉ 10 tỷ USD, một con số mà hàng chục năm trước đây chúng ta không thể hình dung nổi...

Nói về định hướng của ngành công thương trong năm 2020, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần, “mọi mặt phải tốt hơn năm 2019”, tiếp tục phương châm “hành động, bứt phá, hiệu quả” để về đích vượt so với kế hoạch 5 năm 2016-2020.

Đặc biệt, Thủ tướng cũng nhấn mạnh 3 mục tiêu quan trọng năm 2020 đối với ngành công thương: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12%; Xuất khẩu chạm mốc 300 tỷ USD, xuất siêu 2% GDP; Tăng trưởng thị trường bán lẻ đạt con số khoảng 12% và không được để mất thị trường này.

Để hoàn thành 3 mục tiêu đó, Thủ tướng đề nghị Bộ Công thương phải bám sát sản xuất và thị trường, kịp thời đề xuất tháo gỡ vướng mắc cho sản xuất và tiêu dùng, xuất nhập khẩu.

Triển khai đồng bộ các hiệp định thương mại tự do (FTA) và chú trọng các thị trường tiềm năng. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, đổi mới phương thức quản lý... tạo môi trường thông thoáng cho đầu tư.

Tập trung xử lý những dự án thua lỗ kéo dài. Phải bảo đảm cung ứng điện trong mọi tình huống, không để mất điện là mệnh lệnh. Phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Phải tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí, giữ vững kỷ cương, kỷ luật hành chính trong ngành.

Cuối cùng, Bộ Công thương phải đi đầu giải quyết vấn đề quy hoạch, không vì quy hoạch mà gây ách tắc cho phát triển. Có chủ trương, biện pháp cụ thể để giải phóng các nguồn lực đang trì trệ...

Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng đã thực hiện nghi thức khai trương thủ tục cấp C/O (chứng nhận xuất xứ) mẫu D điện tử.

Lý Trường

Nên đọc