Ngân hàng tích cực tăng vốn

(CL&CS) - Dự kiến trong năm nay, làn sóng tăng vốn của các nhà băng sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ.

Đến thời điểm hiện nay, kế hoạch tăng vốn năm 2021 đã được nêu rõ tại nghị quyết đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) của một số ngân hàng.

Mới đây, ĐHĐCĐ Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) chính thức thông qua Nghị quyết về việc chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng và phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi doanh nghiệp. Theo đó, ngay trong quý 1 đến quý 2 năm nay, NCB sẽ chào bán 150 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá chào bán bằng mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phiếu. Tổng giá trị chào bán tương đương 1.500 tỷ đồng.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có Văn bản số 783/NHNN-TTGSNH về việc tăng vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Theo đó, NHNN chấp thuận việc SCB tăng vốn điều lệ tối đa thêm 5.000 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng cường năng lực tài chính theo Đề án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2019 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của SCB.

Tại ĐHCĐ năm nay, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng sẽ trình cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ năm 2021. BIDV muốn tăng vốn điều lệ thêm 8.304 tỷ đồng lên 48.524 tỷ (tức tăng 20,6%). Phương án tăng vốn gồm phát hành 207,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 (tỷ lệ 5,2%), phát hành 281,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 (tỷ lệ 7%). Ngoài ra, BIDV dự kiến phát hành thêm 341,5 triệu cổ phần mới bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ.

Cuộc đua tăng vốn  của các ngân hàng sẽ diễn ra sôi động ngay trong 2021. Ảnh: BIDV

Mới đây, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021. Trong đó, có nội dung về phương án tăng vốn, bao gồm tăng vốn bằng hình thức chia cổ phiếu thưởng 40% từ nguồn vốn chủ sở hữu và dự kiến phát hành chào bán cổ phiếu. Vốn điều lệ dự kiến sau các phương án tăng vốn này là khoảng 16.000 tỷ đồng.

Theo Dự thảo Nghị quyết trình cổ đông của VIB, nhà băng này dự kiến tăng vốn bằng hình thức chia cổ phiếu thưởng từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. Quyết định thời gian thực hiện chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông, đảm bảo hoàn thành trước 30/9/2021.

Nhận định về làn sóng tăng vốn của các ngân hàng, theo phân tích của Công ty cổ phần Chứng  khoán (SSI), với triển vọng khả quan của ngành ngân hàng trong năm 2021 và việc tăng vốn sẽ thuận lợi hơn trong năm 2020, thị trường chứng khoán tăng trưởng tích cực sẽ là những nhân tố hỗ trợ cho sự phát triển của các ngân hàng trong năm 2021.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect, cuộc đua tăng vốn của các ngân hàng sẽ diễn ra sôi động ngay trong quý 1/2021. Bước sang năm 2021, áp lực tăng vốn của ngành ngân hàng vẫn chưa hề giảm, bởi những quy định an toàn vốn theo Basel II buộc các ngân hàng phải có đủ năng lực tài chính để dự phòng rủi ro tín dụng trong tương lai.

Bên cạch đó, hạn mức tín dụng cơ quan quản lý giao cho các ngân hàng được xác định trên vốn tự có. Do đó, những ngân hàng nào có vốn tự có cao, “room” tín dụng sẽ dư giả để mở rộng cánh cửa cho vay. Ngược lại, nhà băng nào không tăng được vốn, đồng nghĩa là cánh cửa cho vay sẽ khép lại.

Chia sẻ mới đây, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, cho rằng, có nhiều lực đẩy đối với quá trình này, trong cuộc cạnh tranh hiện nay, các ngân hàng cần có tiềm lực tài chính đủ mạnh để tăng lợi thế về công nghệ, thị trường. Do đó, họ luôn tìm cách và tìm cơ hội để tăng vốn.

Ngoài ra, thị trường chứng khoán được dự báo có triển vọng thuận lợi trong năm nay là điều cần thiết để giải quyết bài toán vốn cho doanh nghiệp, trong đó có ngân hàng. Mặt khác, Nghị định 121/2020/NĐ-CP với điểm đáng chú ý nhất là cho phép dùng ngân sách nhà nước để bổ sung vốn cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước trên 50% trở lên, được dự báo sẽ mở cánh cửa rộng cho các nhà băng này tăng vốn.

TIN LIÊN QUAN