Ngân hàng Nhà nước: Sẽ xem xét giảm tiếp lãi suất điều hành

(CL&CS)- Tại Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp diễn mới đây, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định NHNN sẽ xem xét giảm tiếp lãi suất điều hành, quyết liệt chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, lợi nhuận tạo điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay bền vững.

Cũng theo Thống đốc thì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đảm bảo điều hành chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi để khôi phục kinh tế sau dịch, điều hành tỷ giá ổn định và sẵn sàng can thiệp để đảm bảo thanh khoản ngoại tệ cho nền kinh tế, không để xảy ra bất ổn vĩ mô.

Thống đốc cũng cam kết cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế, đồng thời, căn cứ nhu cầu vốn cho tăng trưởng, NHNN sẽ xem xét điều chỉnh tăng trưởng tín dụng cho các TCTD cao hơn so với kế hoạch từ đầu năm.

Đối với lãi suất, NHNN đã có phương án điều hành phù hợp, thời gian tới sẽ xem xét để giảm tiếp các lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu, lãi suất thị trường mở…; quyết liệt chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay bền vững.

Theo Thống đốc, đến ngày 8/5, toàn hệ thống ngân hàng đã cơ cấu lại nợ cho trên 215.000 khách hàng; dư nợ khoảng 130.000 tỷ đồng, đã miễn, giảm, hạ lãi vay cho khoảng 260.000 khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng. Hệ thống ngân hàng cũng đã cho vay mới với lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp với số cho vay lũy kế từ 23/1 vừa qua đến nay đạt 630.000 tỷ đồng cho khoảng 182.000 khách hàng với lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5-2,5%. Thời gian tới Ngân hàng Nhà nước cũng xem xét có thể kéo dài thời gian cơ cấu lại nợ nếu cần thiết.

Thống đốc cũng cho biết vừa qua NHNN đã chỉ đạo thiết lập ngay đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý kịp thời, triệt để từng trường hợp doanh nghiệp gặp vướng mắc, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp thiếu trách nhiệm, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Thống đốc cũng lưu ý: “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được thực hiện trên phương châm là chia sẻ khó khăn và đồng hành cùng với khách hàng vay vốn bằng chính nguồn lực của ngành ngân hàng. Chương trình tín dụng này được các TCTD triển khai từ nguồn huy động tiền gửi của dân cư và các tổ chức kinh tế, do vậy yêu cầu đặt ra cho các TCTD là phải bảo đảm an toàn vốn vay, an toàn hoạt động để không gây tác động tiêu cực tới toàn bộ nền kinh tế”.

Vân Thư

Nên đọc