Ngân hàng Nhà nước chủ động sử dụng nghiệp vụ mua kỳ hạn nhằm hỗ trợ thanh khoản

(CL&CS) - Thanh khoản trên hệ thống ngân hàng ở trạng thái không tích cực trong tuần trước và Ngân hàng Nhà nước đã nhanh chóng hỗ trợ thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn, với khối lượng đạt 89 ngàn tỷ đồng và kỳ hạn được nới rộng lên 28 ngày.

So với cuối năm 2021, mặt bằng lãi suất huy động ở các ngân hàng thương mại hiện tại đã tăng khoảng 200 - 250 điểm cơ bản.

Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước đã thay đổi phương thức đấu thầu OMO, từ đấu thầu lãi suất sang đấu thầu khối lượng và cố định lãi suất trúng thầu ở 5%/năm, như một cách thức cấp thanh khoản ngắn hạn cho thị trường ở mức lãi suất hợp lý.

Tính chung trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng tổng cộng hơn 93 ngàn tỷ đồng thông qua kênh thị trường mở và kết tuần, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã hạ nhiệt về 4,92% (-170 bps). Khối lượng giao dịch trung bình ngày của kỳ hạn qua đêm giảm nhẹ (-4% so với tuần trước). 

Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư CTCP Chứng khoán SSI cho rằng, các ngân hàng thương mại tiếp tục tăng mạnh lãi suất huy động trong tuần qua, với mức tăng đáng chú ý đến từ Techcombank (50-90 điểm cơ bản ở các kỳ hạn). Các ngân hàng thương mại khác cũng điều chỉnh tăng thêm 20-30 điểm cơ bản ở các kỳ hạn dài trên 12 tháng nhằm thu hút dòng vốn tiền gửi dài hạn.

Mặt bằng lãi suất huy động ở các ngân hàng thương mại hiện tại đã tăng khoảng 200 - 250 điểm cơ bản so với cuối năm 2021, với mức lãi suất cho kỳ hạn 12 tháng dao động từ 6,5% ở các ngân hàng thương mại nhà nước, lên trên 8% ở các ngân hàng thương mại tư nhân quy mô nhỏ. Áp lực lên mặt bằng lãi suất huy động và cho vay còn khá cao trong giai đoạn còn lại của năm.

SSI Research nhấn mạnh, trên thực tế, cả các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp đều đang gặp nhiều khó khăn trong việc tài trợ nhu cầu vốn hoạt động của mình. Khi các điều kiện trên thị trường vốn đang thắt chặt hơn với việc hạn mức tín dụng hạn chế, diễn biến trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu đều gặp nhiều khó khăn. 

Tỷ giá USD/VND gặp nhiều áp lực lớn

Trong tuần qua, tâm lý thị trường tiếp tục thận trọng khi số liệu về lạm phát của Mỹ sẽ khiến cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) kiên định với chính sách thắt chặt trong thời gian tới. Cụ thể, cả chỉ số PPI và CPI của Mỹ trong tháng 9 đều chưa thấy có dấu hiệu hạ nhiệt, khi đều ghi nhận mức tăng cao hơn so với dự báo.

Chỉ số giá sản xuất PPI toàn phần và PPI cơ bản lần lượt tăng 0,4% và 0,3% so với tháng trước, cao hơn so với mức tăng 0,2% và 0,3% như dự báo. Tương tự, chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần và cơ bản lần lượt tăng 0,4% và 0,6% trong tháng 9, nối tiếp đà tăng 0,1% và 0,6% của tháng 8, đồng thời cao hơn mức dự báo là tăng 0,2% và 0,4%. Đà tăng giá cả diễn ra trên phạm vi rộng với chi phí nhà ở, thực phẩm và chăm sóc y tế đóng góp lớn nhất cho mức tăng của CPI toàn phần.

Điều này đã khiến thị trường định giá gần như FED sẽ tăng 75 điểm cơ bản trong kỳ họp tháng 11 tới (xác suất 98%), và có khả năng gây bất ngờ khi tăng 100 điểm cơ bản trong kỳ họp này (2%). Đồng USD nhờ vậy tiếp tục duy trì sức mạnh của mình, khi chỉ số DXY tăng 0,5% so với tuần trước. Các đồng tiền chủ chốt khác đều suy yếu so với USD, như JPY -2,35%, CAD -1,06%, EUR -0,23%…

Trên thị trường trong nước, tỷ giá USDVND đã chịu nhiều áp lực khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện các biện pháp bơm thanh khoản tiền Đồng. Tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng mạnh ở tất cả các phiên, và chốt tuần tăng tới 119 đồng so với phiên cuối tuần trước đó, ở mức VND 23.531.

Tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại gần như đã ở mức kịch trần 3% so với tỷ giá trung tâm, quanh mốc VND 24.230. Tỷ giá liên ngân hàng tăng vượt mốc 24.000, cao hơn nhiều so với mức tỷ giá bán tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước đã phải tiếp tục can thiệp thông qua việc bán ngoại tệ từ dữ trự ngooại hối, tuy nhiên ở mức tương đối hạn chế.

Trên thực tế, trong phiên đầu tuần này 17/10/2022, Ngân hàng Nhà nước đã nới biên độ giao dịch từ 3% lên 5% và tăng giá mua giao ngay từ 23.925 lên 24.380. Tỷ giá bán tại các ngân hàng thương mại cũng đã được điều chỉnh tăng khá mạnh sau khi nới biên độ, hiện giao dịch quanh vùng VND 24.500, tương đương với việc tiền Đồng đã mất giá gần 7% so với cuối năm 2021. 

Đây là động thái điều chỉnh biên độ lần đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước sau gần 10 năm, cũng như là điều chỉnh giá bán tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước lần thứ 3 liên tiếp trong vòng 1 tháng qua, nhằm phù hợp với biến động mạnh và liên tục gia tăng của tỷ giá USD/VND trong thời gian gần đây.

“Trong ngắn hạn, điều chỉnh này là cần thiết khi tỷ giá sẽ vẫn còn chịu nhiều áp lực từ bên ngoài khi FED thực hiện tăng lãi suất trong tháng 11 và tháng 12, kết hợp với yếu tố nội tại, khi nguồn cung ngoại tệ sẽ gặp nhiều khó khăn trong quý 4 (xuất khẩu yếu đi, kiều hối chậm lại). Trong khi đó, biện pháp can thiệp từ Ngân hàng Nhà nước sẽ khá hạn chế, khi dự trữ ngoại hối không còn quá dồi dào và nếu tăng lãi suất quá mạnh cũng sẽ tác động lớn đến trạng thái ổn định của nền kinh tế, vốn đang ở vị thế khá khó khăn”, SSI Research kết luận.

TIN LIÊN QUAN