Né rầy, diệt ốc, chăm sóc cây thật khỏe để phòng bệnh

(NTD) - Vụ lúa đông xuân là một vụ có nhiều thuận lợi để năng suất và chất lượng lúa ở ĐBSCL tăng nhiều hơn các vụ khác trong năm. Qua đó, bà con nông dân cũng có điều kiện tăng thu nhập. Tuy nhiên, có một trở ngại là nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm quá lớn. Sáng sớm có sương mù bất thường, chính điều này gây bất lợi cho lúa phát triển và là điều kiện thuận lợi để các loại sâu bệnh sinh sôi, nảy nở. Đặc biệt là các bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, rầy nâu, bệnh bạc lá...

Những vùng sẽ bị ảnh hưởng nặng là do trước đó bà con gieo sạ quá dày, chăm sóc và bón phân mất cân đối... Còn những vùng không ảnh hưởng hoặc có ảnh hưởng nhưng ít thiệt hại là do bà con áp dụng các phương pháp canh tác thông minh, giống gieo sạ thay vì 200-250kg/ha xuống còn 80kg/ha hoặc ít hơn, giảm lượng phân, bón cân đối, áp dụng triệt để các quy trình canh tác được tập huấn và khuyến cáo, đặc biệt là chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM giúp cho cây lúa khỏe nên chống chịu tốt với các dịch bệnh. Vào thời điểm hiện nay đã có một số tỉnh đã bị ảnh hưởng, dó đó việc phòng trừ để sâu bệnh không có khả năng phát triển làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng của toàn vùng là rất quan trọng. Do đó, bà con lưu ý là nên thăm đồng thường xuyên để theo dõi chặt chẽ diễn biến rầy di trú trên ruộng lúa để có biện pháp thích hợp, những khu vực chuẩn bị xuống giống cần tuân thủ lịch xuống giống tập trung, đồng loạt né rầy của địa phương, đồng thời làm tốt vệ sinh đồng ruộng, đào các rãnh nhỏ cặp bờ ruộng để thu gom ốc, ổ trứng được dể dàng. Nếu bà con lấy nước từ ngoài vào cần dùng lưới chắn ốc để chúng không có cơ hội phát triển hại lúa. Những vùng lúa đã bị hại bà con không nên dùng các loại thuốc tổng hợp để pha trộn, phun xịt, mà nên dùng thuốc đặc trị đối với từng loại sâu bệnh và chỉ sử dụng khi thực sự cần thiết để đạt hiệu quả phòng trị cao, đồng thời không ảnh hưởng tới môi sinh, môi trường.

Doanh nhân Lê Quốc Phong, Tổng GĐ Công ty CP Phân bón Bình Điền

Cây cối nói chung trong đó có lúa là thức ăn của sâu bệnh, do đó để cây trồng ít bị sâu bệnh tấn công điều duy nhất là bà con cần làm là cho cây thật khỏe, cây khỏe không những hạn chế được sâu bệnh mà cây còn cho năng suất và chất lượng cao mang lại cho nông dân nhiều lợi ích. Vì vậy, bà con đừng ngần ngại tham gia chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu để tích lũy thêm kiến thức và kinh nghiệm thực tế, giúp bà con sẵn sàng vượt qua mọi bất lợi của thời tiết cũng như sâu bệnh để có vụ mùa bội thu.

Lê Quốc Phong

Nên đọc