Năng lượng điện gió, mặt trời sẽ là tương lai của Việt Nam

(NTD) - Tại hội thảo quốc tế công nghệ mới về nguồn, lưới điện, năng lượng tái tạo và hệ thống lưu trữ năng lượng, các chuyên gia đã đưa ra nhiều con số cho thấy năng lượng gió, mặt trời... đang là xu hướng tất yêu của cả thế giới.

Theo ông Đặng Huy Cường, Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng - Bộ Công Thương, nhu cầu điện năng của cả nước đang tăng trung bình từ 7-8%/năm. Theo tính toán, năm 2020, tổng nhu cầu ước đạt 60.000 MW, đến năm 2050 là 129.000 MW.

Theo ông Cường, nguồn năng lượng từ gió, mặt trời, thủy triều, sinh khối…rất quan trọng. Các nguồn năng lượng này an toàn và tốt cho môi trường, có thể vươn tới các khu vực vùng sâu, vùng xa, hải đảo.

Đặc biệt, ông Cường cho biết chiến lược phát triển năng lượng quốc gia tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt. Trong đó, mục tiêu chống biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và chú trọng đến nguồn năng lượng tái tạo được nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Vy, Phó chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, năng lượng tái tạo đang là xu hướng của thế giời trong những năm qua. Theo ông Vy, chỉ cần một tổ điện gió là đủ cung cấp điện cho từ 8.000 đến 10.000 hộ dân.

Ông Vy dự báo, đến năm 2050, 43% sản lượng điện Việt Nam sẽ từ các nguồn năng lượng tái tạo. Quy mô dân số năm 2050 đạt khoảng 140 triệu người, điều này đồng nghĩa với việc sẽ có khoảng 60 triệu người Việt Nam được sử dụng điện từ nguồn mặt trời, gió, thủy điện, sinh khối….

Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam, bà Trần Thị Thu Trà cũng đồng tình với điều này và thừa nhận việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo là tất yếu và là xu hướng mà nước ta đang hướng tới. Đến năm 2020, công suất điện gió cả nước ước đạt 800 MW, năm 2025 là 2.000 MW và đến năm 2025 đạt khoảng 6.000 MW (gấp khoảng 2,5 lần công suất Nhà máy thủy điện Sơn La).

 Quang Thuận (T/H)

Nên đọc