Nâng cao chuỗi giá trị, tìm lối ra cho nông sản Đồng bằng sông Cửu Long

(NTD) - Tuân thủ nghiêm ngặt các hệ tiêu chí chất lượng quan trọng và áp dụng công nghệ mới là lối ra, con đường phát triển của nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Các diễn giả tham gia diễn đàn kinh tế Mekong Connect 2019 diễn ra tại Cần Thơ ngày 7/11 sắp tới đã khẳng định như vậy.

Hướng đến tiêu chuẩn GlobalGAP giúp nông sản Việt Nam giành lại niềm tin của người tiêu dùng trong và ngoài nước. (Ảnh: P.I).

Vươn tới tiêu chuẩn thế giới

Chín năm làm công tác thu mua nông sản cho hệ thống siêu thị Aeon, Phó Tổng Giám đốc khối thu mua Seo Fumio tiếp xúc nhiều với nông dân và hiểu cái khó của nông dân Việt Nam nói chung và nông dân vùng đồng bằng nói riêng. “Ai cũng chăm chăm sản lượng đạt bao nhiêu ký, rồi tạ, rồi tấn... Nhưng lại quên rằng cải thiện chất lượng sản phẩm là điều kiện sống còn” - ông nói.

Nông dân thường quảng bá rất nhiều về sản phẩm, nhưng chỉ cần nói và chứng minh hệ tiêu chuẩn mình đang theo là đủ thông tin cho nhà thu mua. “Hoặc là hữu cơ, hoặc là GlobalGAP hay là VietGAP” - ông Fumio nhấn mạnh.

Theo đuổi hữu cơ là chuyện không đơn giản ở đồng bằng bởi bao nhiêu năm đất, không khí và nước được “tẩm” đầy phân hóa học và thuốc trừ sâu. Quá trình tẩy độc ít nhất cũng mất ít nhất 6-12 tháng, mà như vậy ít có nông dân bền chí mà theo.

Chọn hướng GlobalGAP là thực tế nhất bởi không chỉ nhà thu mua trong nước mà cả nhà thu mua nước ngoài đều chuộng. Nhưng con đường GlobalGAP lại gập ghềnh. Theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA), hiện chỉ có khoảng 20% hộ nông dân hay nhà sản xuất Việt Nam đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Nhưng lấy được năm nay thì năm sau họ lại buông bởi chi phí đến 200 triệu đồng.

BSA đang phối hợp với GlobalGAP xây dựng hệ tiêu chuẩn riêng với những đòi hỏi cao hơn VietGAP và tiệm cận dần với GlobalGAP. Đây giống như trạm trung chuyển để nông dân nâng dần chất lượng sản phẩm của mình và có thể tiếp cận với đòi hỏi của nhiều nước trên thế giới. “Đáp ứng được đòi hỏi của họ tức là tiếp cận được thị trường của họ” - BSA cho biết

Chi phí cho quá trình này chỉ 60 triệu đồng, thời gian thay vì hai năm như GlobalGAP thì chỉ còn sáu tháng.

Chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ. (Ảnh: B.C.T.).

Bán câu chuyện

Chuyên viên thu mua kỳ cựu của Aeon nói hệ thống siêu thị này hiểu nhà cung cấp của mình là ai, đơn vị nào vận chuyển và họ biết rõ sản phẩm sẽ như thế nào trong quá trình đó. Người nông dân bán sản phẩm cho thương lái coi như hết chuyện, họ cũng không biết sản phẩm của mình đã qua thương lái hay trung gian nào trước khi đến tay người tiêu dùng. Còn người tiêu dùng không biết sản phẩm họ mua từ ai, đơn vị nào sản xuất, vùng nào...

Nông dân và nhà cung cấp ở Nhật Bản thường dán hình họ đang trong quá trình làm việc lên nông sản của mình. Đây là hình thức tiếp thị tốt nhất và tăng tính tương tác giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng. “Không chỉ bán hàng mà nông dân Nhật Bản còn bán câu chuyện của mình - nói nôm na theo tiếng Việt là "buôn" chuyện. Khi có thiện cảm rồi thì người mua sẽ quyết định nhanh chóng chọn sản phẩm đó dù là có khi lần đầu họ biết đến. Tôi chưa thấy sản phẩm hay nông sản nào của Việt Nam làm điều này” - ông Fumio phát biểu.

Kiểu “buôn chuyện để bán sản phẩm” ông Fumio đề cập cũng là phương cách tiếp cận mà ông Steven Starmans, Giám đốc Kim Delta Trading ở Cần Thơ, đề cập: Tiếp thị! Ông nói chất lượng chế biến ngành thủy hải sản ngày càng tốt, đạt chất lượng cao. Trong khi đó, chất lượng nông sản, gạo và trái cây tốt hơn trước và có thể cải thiện hơn nữa. “Tuy nhiên, nếu các bạn muốn tăng giá trị cho nông sản, lúa gạo và trái cây, các bạn phải tăng cường tiếp thị bởi công nghệ chế biến của các bạn đã khá hơn rất nhiều rồi” - ông nói.

Công nghệ mới

Bước vào hệ thống siêu thị châu Âu, đến gian hàng trứng gia cầm hay gà, quét mã QR thì thì người tiêu dùng có thể biết xuất xứ hàng hóa. Tại siêu thị Carrefour ở Pháp, với công nghệ blockchain, khách còn có thể biết được hình ảnh trang trại, nhân viên và quá trình làm việc của họ ra sao... Vì thế, công nghệ mới củng cố niềm tin của người tiêu dùng vào sản phẩm, giúp khách mua hàng nhanh hơn.

“Điều chúng ta đang đau đầu ở Việt Nam hiện nay là niềm tin của người tiêu dùng của nông sản Việt Nam đã không còn như trước. Công nghệ có thể giải quyết vấn đề này khi tăng tính minh bạch của sản phẩm. Chúng ta có thể nhắc đến công nghệ blockchain, xuất xứ địa lý có thể giúp người tiêu dùng biết thực phẩm họ đang sử dụng đến từ đâu, được xử lý như thế nào” - ông Starmans khẳng định.

Ông Starmans nói nhà sản xuất, nhà cung ứng và hệ thống phân phối tại Việt Nam có thể phối hợp để đưa công nghệ mới vào. Còn ông Nguyễn Thanh Mỹ, Tổng Giám đốc Công ty Rynan AgriFoods, nói sẵn sàng hợp tác với công nghệ thông tin Việt Nam để đưa ra các giải pháp công nghệ mới giúp người dân tiếp cận được thông tin thị trường, phương pháp bảo quản, chế biến và phân phối.

“Nghèo, khổ, lạc hậu và giải cứu” là những cụm từ được nhắc đến mỗi khi nói về một số địa danh tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Những vấn đề liên quan đến các cụm từ này sẽ được mổ xẻ, giải quyết tại diễn đàn Mekong Connect 2019 với chủ đề “Liên kết chuỗi giá trị đồng bằng, tăng cường hội nhập thị trường”.

Diễn đàn kinh tế Mekong Connect được tổ chức hàng năm với lãnh đạo của nhóm ABCD - gồm bốn tỉnh thành An Giang, Bến Tre, Cần Thơ và Đồng Tháp - cùng các doanh nghiệp lớn của TP.HCM và ĐBSCL cùng các chuyên gia trong và ngoài nước.

Song Hảo - Ricky Hồ

Nên đọc