Nạn bắt cóc, mổ lấy nội tạng tại vùng giáp ranh Việt - Trung: Nơi thông báo có, chỗ bảo không!

(NTD) - Công an huyện Si Ma Cai (Lào Cai) vừa phát văn bản cảnh báo tình trạng bắt cóc mổ lấy nội tạng tại vùng giáp ranh Việt - Trung.

 Văn bản số 487/TB-CAH ký ngày 2/8/2016. Ngay sau đó, trên mạng xã hội lan truyền tờ thông báo của Công an (CA) huyện Si Ma Cai (Lào Cai) gửi CA các xã và các trường học trên địa bàn (thông báo do Thượng tá Trịnh Minh Phú, Phó trưởng CA huyện ký ngày 2/8/2016), cảnh báo hiện tượng trẻ em, người già đồng bào các dân tộc thiểu số trên vùng biên giới bị kẻ xấu bắt cóc, mổ lấy nội tạng. Cụ thể, “Tại địa phận giáp ranh Việt Nam - Trung Quốc, tỉnh Hà Giang trong 6 tháng đầu năm 2016 đã xảy ra 16 vụ/16 nạn nhân bị bắt cóc, mổ lấy nội tạng (gan, thận, tim, mắt...). Qua xác minh, nắm được các đối tượng là người Trung Quốc, tổ chức thành từng nhóm từ 3-5 đối tượng, sử dụng xe ô tô (không có biển kiểm soát), đối tượng tập trung vào những gia đình có người già, trẻ em ở, học sinh các trường tổ chức đi học ngoại khóa, trẻ em đi chăn thả gia súc, làm nương rẫy một mình... Các đối tượng bắt cóc đưa lên ô tô, đến khu vực vắng rồi mổ lấy nội tạng...”. Thông báo đã thực sự gây xôn xao dư luận, nhất là tại Lào Cai lại vừa xảy ra vụ thảm sát 4 người tại thôn Phìn Ngan (xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát).

Thông báo khiến dư luận xôn xao của CA huyện Si Ma Cai

Về văn bản này, ông Hoàng Tiến Bình, Trưởng CA huyện Si Ma Cai cho biết đúng là của CA huyện phát hành. Song, chỉ với mục đích cảnh báo, giúp người dân nâng cao tinh thần cảnh giác với các loại hình tội phạm mới. Và, từ trước đến nay trên địa bàn huyện “chưa có hiện tượng bắt cóc, lấy nội tạng”! Tương tự, ông Phạm Gia Chiến, Trưởng phòng PV11 (CA tỉnh Lào Cai) cũng xác nhận, chưa có trường hợp bắt cóc, lấy nội tạng xảy ra trong tỉnh. Vậy, còn nội dung “Tỉnh Hà Giang trong 6 tháng đầu năm 2016 đã xảy ra 16 vụ/16 nạn nhân bị bắt cóc, mổ lấy nội tạng”? Ông Chiến cho rằng, thông tin này chỉ là viện dẫn… từ địa phương khác(!?)

Tuy nhiên, ông Lê Văn Canh, Trưởng phòng Tham mưu (CA tỉnh Hà Giang) cho biết, thông tin trên là sai sự thật vì chưa xảy ra bất cứ trường hợp phạm tội nào như nêu trong văn bản của CA huyện Si Ma Cai. “Đây là thông tin thất thiệt” - ông Canh khẳng định và cho biết thêm, hiện CA Hà Giang đang trao đổi với CA tỉnh Lào Cai để xem thông tin trên từ đâu ra và sẽ sớm có thông báo chính thức cho công luận!

Các chuyên gia nói gì

Trả lời báo giới, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết - nguyên GĐ Bệnh viện Việt Đức Hà Nội cho biết: việc phẫu thuật lấy nội tạng vô cùng phức tạp và trải qua rất nhiều khâu với nhiều loại dung dịch, thuốc đặc biệt để rửa và giữ tạng, đặc biệt là điều kiện bảo quản ngoài môi trường cũng vô cùng kỹ lưỡng và được theo dõi bởi nhân viên y tế. Khi tạng đã được lấy ra ngoài cơ thể rất dễ nhiễm khuẩn nên mọi trang thiết bị phải đảm bảo vô trùng hoàn toàn. Vì thế việc bắt cóc mổ tạng ở nơi hoang vắng rồi mang đi nơi khác là không thể thực hiện được.

Còn PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, chuyên gia đầu ngành về ghép tim, trưởng khoa Tim mạch - Lồng ngực (BV Việt Đức) cho rằng, thông thường sau khi lấy tạng ra khỏi người hiến, có thể bảo quản trong vòng 6-8 tiếng trước khi ghép vào người nhận. Tuy nhiên, thời gian lý tưởng nhất tùy thuộc vào loại tạng được hiến và ghép. Ví dụ như ghép tim là từ 4-6 tiếng, gan từ 6-8 tiếng, thận từ 8-10 tiếng.

Do ghép tạng ở Việt Nam là ứng dụng công nghệ của thế giới phù hợp với điều kiện Việt Nam, nên so với các nước trên thế giới, công nghệ bảo quản tạng tại Việt Nam về cơ bản là hoàn toàn giống với các nước phát triển có những quy trình hiện đại nhất như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.

Cuối cùng các chuyên gia nhận định: “Việc phẫu thuật lấy tạng và ghép tạng được thực hiện trong phòng mổ với ê kíp hàng chục người tham gia còn gặp khó khăn nhất định, nên việc bắt cóc mổ lấy nội tạng để bán như thông tin xuất hiện trên mạng là điều không tưởng”.

Mai Lan - Bội Đĩnh