Năm 2022, doanh nghiệp lúa gạo kỳ vọng bội thu

(CL&CS) - Đứng trước nhiều cơ hội xuất khẩu, các doanh nghiệp lúa gạo đang kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2022.

Chất lượng gạo Việt Nam được người tiêu dùng trên nhiều nước ưa chuộng

Doanh nghiệp gạo lãi lớn

Kết thúc năm 2021, Tập đoàn Lộc Trời (mã: LTG) ghi nhận doanh thu đạt 10.224 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ - đây cũng là mức doanh thu cao nhất trong lịch sử hoạt động của công ty. Trong cơ cấu doanh thu của Lộc Trời ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể của mặt hàng lương thực.

Năm 2021, Lộc Trời đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế là 400 tỷ đồng và kết thúc năm tài chính công ty đã hoàn thành 105,5% kế hoạch lợi nhuận năm.

Được biết trong năm 2021, Lộc Trời đã xuất khẩu hơn 80.000 tấn gạo tới các đối tác quốc tế ở châu Âu, vương quốc Anh, châu Phi, Úc, khu vực Trung Đông và các nước láng giềng ở châu Á. Tổng giá trị xuất khẩu gạo lên tới hơn 1.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 24% doanh thu gạo của tập đoàn.

Riêng đối với thị trường châu Âu, từ tháng 9/2020, Lộc Trời được lựa chọn để xuất khẩu lô hàng gạo thơm đầu tiên đi thị trường Châu Âu theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu (EVFTA) và đã liên tục phát triển thị trường này trong hơn một năm qua. Công ty cũng vừa có thêm các đối tác mới tại Thuỵ Điển và Đức trong năm 2021. Nhờ đó, mảng xuất khẩu gạo của Lộc Trời đã tăng gấp khoảng 4 lần về sản lượng và doanh số so với năm ngoái, có thêm 15 đối tác mua hàng mới trên thị trường quốc tế.

Năm 2021, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (mã: TAR) cũng vừa công bố doanh thu đạt 3.120 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2020; lợi nhuận gộp đạt 282 tỷ đồng, tăng 32%. 

Lý giải lợi nhuận tăng cao nhất lịch sử, lãnh đạo Trung An cho biết, năm 2021, khi dịch Covid-19 càn quét qua các tỉnh phía Nam, hàng loạt doanh nghiệp lúa gạo phải đóng cửa, thì Trung An nằm trong số ít doanh nghiệp duy trì được hoạt động sản xuất để cung cấp nguồn gạo cho thị trường, đảm bảo an ninh lương thực.

Nhờ nguồn cung ổn định, không bị đứt gãy cùng hệ thống Silo trữ gạo lớn, Trung An đã liên tục trúng những gói thầu lớn như xuất khẩu gạo qua Hàn Quốc hay gói cung cấp 25.413 tấn gạo cho quỹ dự trữ quốc gia của Chính phủ.

Trong năm 2021, Trung An liên tục trúng các gói thầu xuất khẩu gạo qua thị trường cao cấp ở Hàn Quốc. Tính cả năm, Trung An đã trúng thầu tới 48.763 tấn trên tổng số hạn ngạch 50.000 tấn (chiếm 98%) mà Hàn Quốc dành cho các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam.

Tương tự, CTCP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam - Vinaseed (mã: NSC) công bố năm 2021 khả quan. Cụ thể, doanh thu của công ty đạt 1.931 tỷ đồng, tăng 18,1% so với năm 2020; lợi nhuận trước thuế đạt 249 tỷ đồng, hoàn thành 94% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế tăng 15,8% lên gần 226 tỷ đồng.

Năm 2022 kỳ vọng sẽ mang lại rất nhiều cơ hội cho lúa gạo

Nhận định về triển vọng thị trường xuất khẩu gạo năm 2022, nhiều ý kiến cho rằng sẽ vẫn tiếp tục có lợi cho ngành lương thực trong đó có các doanh nghiệp gạo, và giá gạo xuất khẩu có khả năng vẫn sẽ ổn định như 2021 thậm chí cao hơn.

Bên cạnh đó, chất lượng gạo Việt Nam được người tiêu dùng trên nhiều nước ưa chuộng. Đáng chú ý, ngoài các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, Malaysia, Hoa Kỳ, các nước châu Phi, Hàn Quốc... xuất khẩu gạo sang EU dự báo sẽ tăng mạnh trong năm 2022 bởi hỗ trợ của Hiệp định EVFTA.

Trước khi EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào thị trường châu Âu (EU) bị áp thuế 45%. Một số nước trong khối thậm chí áp mức thuế nhập khẩu với gạo Việt Nam lên tới 100% hoặc cao hơn.

Khi EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, EU dành cho Việt Nam ưu đãi thuế suất 0% với hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm. Bao gồm: 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm sau 5 năm.

Theo nhận định của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), những ưu đãi từ EVFTA giúp Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 100.000 tấn gạo tấm vào EU hàng năm.

Sau hơn 1 năm tham gia EVFTA, gạo Việt Nam đã tạo được chỗ đứng vững chắc tại thị trường châu Âu nhờ chất lượng, qua đó giúp kim ngạch xuất khẩu gạo năm nay đạt 3,3 tỷ USD, tăng 5% về giá trị so với năm 2020.

Hiện nhiều doanh nghiệp đã tận dụng tối đa cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu. Đại diện Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ: "Với đơn hàng cuối cùng hơn 4.000 tấn vừa xuất khẩu sang châu Âu trước thềm năm mới, năm 2022 kỳ vọng sẽ mang lại rất nhiều cơ hội cho lúa gạo và các loại nông sản được sản xuất theo hướng xanh hơn, bền vững hơn của Việt Nam tại thị trường châu Âu và nhiều thị trường khác".

TIN LIÊN QUAN