Năm 2017 nhu cầu dệt may phục hồi nhẹ

(NTD) - Theo Euler Hermes dự báo nhu cầu dệt may sẽ phục hồi nhẹ tại Mỹ và Trung Quốc hỗ trợ đà phục hồi cho nhu cầu dệt may thế giới, trong đó có Việt Nam.

Năm 2016 vừa qua là một năm đầy khó khăn đối với ngành dệt may Việt Nam, khi xuất khẩu chỉ tăng 5,2% trong khi các năm trước đều tăng mạnh với 2 con số.

Theo báo cáo mới nhất của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) năm 2016, khó khăn của ngành dệt may Việt Nam cùng chung với xu hướng dệt may thế giới, tốc độ tăng trưởng của ngành dệt may Việt Nam có dấu hiệu chững lại trong 2 năm gần đầy từ 17% (2014) xuống còn 6% (năm 2016).

Năm 2017 nhu cầu dệt may sẽ phục hồi nhẹ. Ảnh: Vinatex.com

Nguyên nhân chính đến từ nền kinh tế của Mỹ, Nhật Bản và các nước trong khối EU (các thị trường chính của dệt may Việt Nam) còn nhiều khó khăn và đơn hàng dịch chuyển một phần sang các nước đối thủ như Campuchia, Bangladesh do ưu đãi về tỷ giá, thuế và lợi thế công nhân giá rẻ.

Tuy nhiên, bước sang năm 2017, nhiều chuyên gia dự đoán rằng ngành dệt may vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên sẽ có điểm sáng mở ra so với năm trước.

Cụ thể Euler Hermes dự báo nhu cầu dệt may sẽ phục hồi nhẹ tại Mỹ và Trung Quốc, hỗ trợ đà phục hồi nhu cầu dệt may thế giới. Do đó, ngành dệt may được dự báo tăng 0,5% trong năm 2017 và 1,5% trong năm 2018.

Quan trọng hơn hết, Hiệp định thương mại tự do với các nước châu Âu (EVFTA), có hiệu lực từ đầu năm 2018, kỳ vọng hỗ trợ kim ngạch xuất khẩu sang EU và thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất vải. EU là bạn hàng lớn thế hai (sau Mỹ) với tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu duy trì ở mức xấp xỉ 13% trong hai năm gần đây. Ngoài việc thúc đẩy giao thương, quy tắc xuất xứ từ vải trở đi sẽ là động lực để thu hút dòng vốn FDI cũng như các doanh nghiệp nội tháo “nút thắt cổ chai” ở khâu sản xuất vải.

 Ánh Hoa

Nên đọc